Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe nhiều hơn, hành động nhiều hơn!

Hà An| 01/06/2019 06:30

(HNM) - Chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm đã được luật hóa mà còn là một lẽ không thể khác vì “tương lai của con em ta, dân tộc ta” mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.


Tháng hành động vì trẻ em năm nay của thành phố Hà Nội với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” một lần nữa là tiếng nói kêu gọi việc không ngừng lắng nghe trẻ em bằng trái tim và chăm sóc bảo vệ trẻ em bằng hành động.

Trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số hay trẻ có hoàn cảnh khó khăn có đặc điểm chung là dễ bị tổn thương. Chăm sóc trẻ thuộc đối tượng yếu thế tức là nhằm giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của xã hội, đồng thời tạo ra những điều kiện bền vững hơn cho sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như của công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em trên toàn thành phố.

Những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số ở Hà Nội đã được chú trọng, đạt được những kết quả rõ rệt. Mọi trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố đều đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách. Bên cạnh đó, 99,4% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, việc vẫn còn hơn 12.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 16.000 trẻ dân tộc thiểu số hiện đang cần được quan tâm trợ giúp… là lý do để cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, mỗi người dân không ngừng quan tâm hơn tới vấn đề này.

Trước mắt, cần thực hiện thật tốt kế hoạch của Tháng hành động vì trẻ em mà UBND thành phố đã ban hành với đầy đủ các nhóm nội dung hành động như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề này; chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng; tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ; tăng cường xã hội hóa các nguồn lực chăm sóc trẻ; đẩy mạnh rà soát quản lý trẻ em nói chung, trong đó có trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số…

Cả trước mắt và lâu dài, chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nơi gần các em nhất phải có sự nắm bắt thường xuyên hoàn cảnh các em để không chỉ quan tâm, chăm lo cụ thể mà còn kịp thời can thiệp, ngăn chặn những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Thành phố mong mỏi, các đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn Hà Nội sẽ làm ngày càng tốt hơn trọng trách này.

Đặc biệt, chăm sóc và bảo vệ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số muốn đạt kết quả bền vững, lâu dài thì phải tác động tới chính các gia đình khó khăn bằng cách đẩy mạnh chính sách giảm nghèo bền vững. Chăm sóc trẻ thuộc đối tượng này cũng cần chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, phát triển kinh tế đi liền với nâng cao đời sống văn hóa cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Mỗi cộng đồng khu dân cư, mỗi gia đình, mỗi người dân phải là nơi đầu tiên cũng là nơi luôn luôn lắng nghe trẻ em bằng trái tim và chăm sóc bảo vệ trẻ bằng hành động. “Hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em” - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (như khẩu hiệu cụ thể trong kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 của UBND thành phố Hà Nội) là một ví dụ.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, cũng là việc phải thực hiện lâu dài, bền bỉ. Tháng hành động vì trẻ em một lần nữa là dịp nhắc nhở cho người lớn chúng ta về điều đó, với một thông điệp giản dị: Lắng nghe nhiều hơn, hành động nhiều hơn! 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe nhiều hơn, hành động nhiều hơn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.