Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học đắt giá về quản lý di sản

Hoàng Ngân| 03/06/2019 06:19

(HNM) - Tháng 5-2019, xuất hiện tin không vui về vịnh Hạ Long được phản ánh trên báo chí. Tại hòn Soi Cỏ, điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, xuất hiện công trình xây dựng bãi tắm nhân tạo và bến cập tàu. Gần đó, trên đảo Cây Chanh mọc lên bến cập tàu và bờ kè lấn ra mặt biển - được đánh giá là “gần hoàn thành”...


Đó là chưa kể thông tin về việc xây bến cập tàu tại khu vực hang Tiên Ông và động Mê Cung, dù không phải dạng dự án “chui” nhưng được thực hiện khi chưa hoàn thành báo cáo tác động môi trường...

Đáng lo ngại là chỉ cách đây hơn một năm, các cơ quan chức năng đã phải rất vất vả để xử lý công trình xây bậc bê tông lên núi không phép trong Quần thể danh thắng Tràng An! "Vết thương" di sản cũ chưa lành, đã thêm "vết thương" mới!

Sau khi xuất hiện thông tin “vùng lõi vịnh Hạ Long bị bê tông hóa”, như thường thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, yêu cầu các đơn vị này làm việc với cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh, đề xuất phương án bảo vệ, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có). Phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã có đôi lời "làm rõ" vấn đề…

Theo Điều 18, chương III, Nghị định 109/2017/NĐ-CP, ngày 21-9-2017 của Chính phủ “Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về di sản thế giới”, trong đó có việc “thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản thế giới”.

Điều 20, chương III của nghị định này cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, trong đó có việc “tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản thế giới theo quy định, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại di sản thế giới và báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới di sản thế giới”.

Trong khi việc phân định trách nhiệm giữa các bên cũng như xác định giải pháp tiếp theo còn đang diễn ra thì trên thực tế, vịnh Hạ Long, thêm một lần nữa, lọt vào “tầm ngắm” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), sau khi đã được lưu ý về vấn đề tái định cư cho các hộ dân sinh sống trong khu vực bảo vệ di sản, về vấn đề bảo vệ môi trường trong khoảng thời gian trước đó.

Từ góc độ tiếp cận này, có thể thấy rằng những gì vừa xảy ra là bài học quản lý đắt giá không chỉ đối với vịnh Hạ Long, mà còn với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - từng hai lần được UNESCO ghi danh Di sản thiên nhiên thế giới (như vịnh Hạ Long).

Điều cần ghi nhớ là trong mọi trường hợp, kể cả khi áp lực tăng trưởng về du lịch có “nóng” cỡ nào thì nguyên tắc phát triển bền vững cũng phải được tôn trọng, với những “trụ cột” không thể bỏ qua là bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản trong mối liên hệ với yếu tố gốc, những giá trị cốt lõi mà nhờ đó di sản được ghi nhận ở cấp độ toàn cầu.

Xây bến cập tàu, bãi tắm, xây mới đền trong khu vực vùng lõi, cho dù là phần việc nằm trong quy hoạch, xuất phát từ chủ trương đầu tư của tỉnh hay là công trình trái phép thì cũng cần được xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm dựa trên nguyên tắc nói trên, không thể tùy tiện và cũng không thể biện minh bằng cách nêu ra yêu cầu cấp bách về phát triển du lịch.

Hơn nữa, nâng cao quản lý tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hay các khu danh thắng nổi tiếng khác tại Việt Nam, vấn đề còn là củng cố năng lực của các ban, trung tâm quản lý di sản.

Vào cuối tháng 7-2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, đại diện UNESCO tại Việt Nam đưa ra nhận định về vấn đề này, theo đó, ngoài áp lực phát triển du lịch thì vấn đề đáng quan tâm khác tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam là sự hạn chế về thẩm quyền của các ban, trung tâm quản lý di sản.

Sai phạm (nếu có), sự hạn chế của Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong những vụ “bê tông hóa” là điều sẽ được xem xét, nhưng không thể không ghi nhận rằng, việc không đủ thẩm quyền của đơn vị này (được thành lập vào năm 1995, theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh) khiến cho hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm bị hạn chế.

Đó cũng là điều có thể xảy ra tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ…

Các di sản thế giới nói riêng và di sản nói chung là “tài sản đặc biệt” của quốc gia. Tuổi tài sản càng cao thì giá trị càng lớn. Bởi vậy, trên tất cả, khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất thiết phải tính đến quyền được thụ hưởng của các thế hệ sau. Không thể xem xét sự việc với tầm nhìn ngắn hạn và cách quản lý lỏng lẻo!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học đắt giá về quản lý di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.