Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm

Gia Khánh| 10/06/2019 06:30

(HNM) - 5 tháng đầu năm nay, bình quân tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng ngân sách trên địa bàn thành phố mới đạt 15,8% kế hoạch cả năm (dự báo hết tháng 6 có thể đạt 32,5%). Đây là những con số đáng suy ngẫm nếu so sánh một cách cơ học, bởi thời gian trôi qua đã nửa năm mà số vốn giải ngân chỉ đạt 1/3 kế hoạch cả năm.


Nếu so sánh với các năm trước có thể rút ra một vấn đề, gần như đã trở thành quy luật, đó là những dự án đầu tư bằng vốn ngân sách thường giải ngân chậm vào khoảng đầu năm và đương nhiên sẽ phải "chạy nước rút" vào những tháng cuối năm trước áp lực hoàn thành kế hoạch năm. Nguyên nhân cũng là một vấn đề cũ, khi thời điểm đầu năm, chủ đầu tư phải dành thời gian hoàn thiện hồ sơ dự án với nhiều thủ tục khá phức tạp. Cùng với đó là giải phóng mặt bằng chậm, nên chủ đầu tư, nhà thầu không thể triển khai thi công; hoặc nhà thầu năng lực yếu không đáp ứng yêu cầu tiến độ... Đáng nói, trong đầu tư các dự án, việc "có tiền mà không tiêu" dẫn đến hệ quả công trình chậm đưa vào khai thác, lại là sự cản trở cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đầu tư theo kế hoạch năm 2019, từ quý IV-2018, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc các ban quản lý dự án chủ động hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan. Song song với đó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ linh hoạt điều chuyển vốn đầu tư từ dự án chậm tiến độ sang dự án có nhu cầu, để bảo đảm về tổng thể nguồn vốn đầu tư được giải ngân sớm và phát huy hiệu quả.

Thực hiện các giải pháp này, trước hết đòi hỏi trách nhiệm cao của các ban quản lý dự án, sở, ngành, địa phương liên quan. Thực tế, cùng những bất cập về thể chế, chính sách đầu tư (chồng chéo, nhiều tầng nấc trong phê duyệt dự án, phê duyệt đầu tư...) thì có cả trường hợp ban quản lý dự án "ngâm" hồ sơ, không làm ngay thủ tục chuyển kho bạc giải ngân. Rồi có cả tâm lý "cơm không ăn gạo còn đấy", đầu năm chưa giải ngân được thì để dồn cuối năm... nên rõ quy trình, trách nhiệm từng khâu, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu khi để chậm giải ngân là hết sức quan trọng. Cùng với đó là cơ chế minh bạch, cạnh tranh, tiền được giao không tiêu hết bị thu hồi, phân bổ cho dự án cần hơn sẽ khắc phục tình trạng dồn việc vào cuối năm.

Tương tự, việc rõ trách nhiệm rất cần trong triển khai giải phóng mặt bằng, bởi đây là công việc khó khăn, phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án. Chỉ khi rõ quy chế phối hợp về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; rõ nguyên tắc, rõ các bước, rõ thời gian từng giai đoạn, trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương, chủ đầu tư... thì nhiệm vụ khó khăn này mới nhanh được hóa giải.

Hiện Luật Đầu tư công sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ thủ tục không cần thiết, mất nhiều thời gian nhưng không giúp cải thiện được chất lượng chuẩn bị đầu tư... Như vậy, rõ ràng đơn giản thủ tục đi đôi với tăng trách nhiệm là giải pháp quan trọng để gỡ "nút thắt" chậm giải ngân vốn đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.