Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Tuấn Kiệt| 11/06/2019 06:17

(HNM) - Những năm gần đây, diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường. Tại các đô thị - do đặc điểm riêng về kiến trúc, môi trường... - cũng phải đối mặt với các rủi ro thiên tai hết sức phức tạp. Vào mùa mưa bão, người dân các đô thị lớn luôn thường trực nỗi băn khoăn về tình trạng cây xanh gãy, công trình sập đổ, hay dông lốc có thể cuốn theo “những vật thể bay” với những hậu quả khó lường.


Còn nhớ trận cuồng phong chiều 13-6-2015 tràn qua thành phố, tuy gió lốc chỉ thực sự dữ dội trong khoảng 15 phút nhưng đã gây nên nỗi bàng hoàng cho người dân. Gần 1.400 cây xanh bị đổ, 142 trạm điện xảy ra sự cố, cơn dông lốc cũng gây gãy đổ nhiều cột bê tông và cột thép. Có lẽ chưa bao giờ người dân Hà Nội lại phải chứng kiến một cơn dông đáng sợ như vậy.

Nguyên nhân khiến những cơn dông lốc ngày càng khốc liệt được các chuyên gia lý giải một phần do sự tác động của biến đổi khí hậu tại các đô thị. Hiện tượng này cũng không ngừng bộc lộ rõ rệt hơn. Thực tế, người dân Hà Nội dễ dàng bắt gặp cảnh những đám mây đen vần vũ, trời bỗng dưng tối sầm và dông lốc bất ngờ ập đến.

Trong tương lai, Hà Nội chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ dông lốc đáng sợ như vậy. Vì thế, việc chủ động các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiệt hại thiên tai luôn là ưu tiên trong ứng phó tại các khu vực đô thị, nhất là khi hệ thống đô thị luôn gắn liền với những biến đổi kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên. Chúng ta sẽ không chỉ phải áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao tính dự báo, khả năng quản lý, ứng phó với những tác hại trực tiếp từ thiên nhiên, mà còn cần có sự chủ động ngăn ngừa ngay từ những tác động trong hoạt động của con người.

Ở tầm vĩ mô, để phòng ngừa và giảm tối đa rủi ro, thì những nguyên tắc phát triển bền vững cần được áp dụng triệt để và kiên quyết, đặc biệt là trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Tăng trưởng đô thị phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng phát triển lâu dài, ổn định. Các chính sách quy hoạch, phát triển đô thị đều phải theo hướng thân thiện với môi trường, thực hiện đô thị hóa theo chiều sâu.

Việc thành phố Hà Nội trong thời gian qua cấp tập triển khai trồng mới hàng triệu cây xanh, thay thế các loại cây xanh trồng từ nhiều chục năm trước, phù hợp và an toàn hơn với môi trường đô thị chính là một trong những biện pháp khắc phục ảnh hưởng của hiệu ứng đô thị, tạo tính bền vững và lâu dài. Cùng với đó, Hà Nội cũng hướng phát triển đô thị ra vùng ven, tăng không gian đô thị, phát triển hạ tầng như: Hệ thống giao thông, thoát nước, hình thành các không gian xanh, hồ điều hòa... theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đại.

Trong khi đó, ở góc độ đời sống, việc xây dựng nếp sống đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống, xây dựng đô thị văn minh là mục tiêu quan trọng. Một mặt, cơ quan chức năng tăng cường quản lý các hoạt động phát triển có nguy cơ gây thiệt hại như xây dựng, xả thải, sản xuất nông nghiệp...; thường xuyên kiểm tra, khơi thông các dòng chảy, quản lý hệ thống cây xanh đô thị, chặt tỉa cây sâu mục... nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, với những bất thường của thời tiết trong bối cảnh hiện nay sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô, đất nước. Hy vọng rằng mỗi công dân chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực và hiệu quả, từ những phần việc nhỏ nhất nhưng mang lại ý nghĩa thiết thực với môi trường sống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.