Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ chuyện chặn xe rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Tuấn Kiệt| 06/07/2019 19:38

(HNMO) - Những ngày đầu tháng 7, thêm một lần, một số người dân ở thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn và thôn 2, xã Hồng Kỳ đã có những phản ứng tiêu cực, căng lều bạt, chặn các tuyến đường, ngăn không cho xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Hệ quả là hơn 10.000 tấn rác thải sinh hoạt trong khu vực nội đô bị ứ tại chỗ vì không có nơi tập kết.

Sau những nỗ lực giải quyết của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt là sau khi UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân đã tích cực hợp tác với chính quyền hoàn thiện thủ tục để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Và vào 19h20 ngày 5-7, một số người dân đã tháo dỡ lều bạt cũng như các vật cản để xe ô tô chở rác vào khu xử lý.

Qua vụ việc, thêm một lần khẳng định, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là luôn coi trọng việc bảo đảm, chăm lo đời sống và giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân nói chung, khu vực bãi rác Nam Sơn nói riêng. Ngay trong buổi đối thoại được tổ chức sáng 3-7 tại Sóc Sơn, nhiều hộ dân cũng khẳng định, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến đời sống của người dân quanh khu vực bãi rác, bằng những văn bản cụ thể, giao cho các sở, ngành liên quan thực hiện theo lộ trình, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, từ vụ việc này rút ra nhiều bài học. Trước hết, đó là sự chủ động, quyết liệt cao trong giải quyết một vấn đề lớn, kéo dài với nhiều khó khăn. Nổi lên nhất là sự phối hợp trong giải quyết công việc; là sự chỉ đạo sát sao, rốt ráo hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt để giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết kịp thời hơn những thắc mắc của người dân về mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hạn mức diện tích đất nằm trong phạm vi đền bù; tiến độ thực hiện đền bù đất và tài sản trên đất… - những nội dung được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ việc.

Nếu chính quyền làm tốt hơn công tác nắm bắt tình hình, tích cực hơn trong giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của người dân, sẽ giúp giải tỏa bức xúc ngay từ khi nó manh nha hình thành. Vẫn biết, giải quyết một vấn đề an sinh xã hội chẳng thể nhanh chóng trong một sớm một chiều, nhưng nếu có biện pháp xử lý rốt ráo hơn, tình thế sẽ khác.

Công nhân môi trường luôn nỗ lực giữ cho đường phố, môi trường của Hà Nội sạch đẹp... Ảnh: Viết Thành

Về phía người dân, cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ai cũng có quyền được biểu đạt quan điểm, kiến nghị chính quyền thực hiện và bảo đảm các lợi ích chính đáng. Song, mọi hành vi cần phải dựa trên nền tảng pháp luật, ứng xử có văn hóa, tôn trọng các lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Người dân có “cái lý” của mình, nhưng để bảo vệ “cái lý” đó cần dựa trên nguyên tắc, quy định của pháp luật, xã hội; nhất là không được vì mình mà gây bức xúc, tổn hại tới người khác, tới cộng đồng. Người dân Nam Sơn, Hồng Kỳ thấy khó chịu vì rác, nhưng dựng rào chắn không cho xe vào bãi rác, thì lại là hành vi gây khó chịu cho hàng triệu người dân các quận, huyện do phải chịu cảnh rác bị ùn ứ.

Rác thải ùn ứ nhiều ngày trong nội đô, ven đường giao thông các huyện... không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt chung của cộng đồng, mà còn tác động rất xấu đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Cần nhận thức rằng, rác thải sinh hoạt trên thực tế đang là thách thức rất lớn không của riêng Hà Nội, mà cả với nhiều nước phát triển. Và các cấp, các ngành của thành phố đang rất nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Trong đó có việc quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác ở nhiều điểm để giảm tải cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, trong đó có những dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại. Vậy nên, không thể vội vã chọn một giải pháp phiến diện cho "bài toán" khó khăn, phức tạp này.

Ở một góc độ khác, nếu cứ mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc, lại tụ tập đông người, dựng lều lán, ăn trực nằm chờ ngay bên đường giao thông, rõ ràng vừa mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe mà còn cản trở giao thông, nguy cơ tai nạn, mất an toàn cho chính mình và người đi đường. Đó là chưa kể, hành vi tụ tập đông người không có sự kiểm soát luôn tiềm ẩn xảy ra những bất ổn về trật tự an ninh.

Vướng mắc về cơ chế, chính sách - thì phải giải quyết bằng cơ chế chính sách mới trên cơ sở tuân thủ pháp luật và thực tế khách quan, bằng phương pháp khoa học, cẩn trọng - chứ không thể thông qua những hành vi kiểu "gây sức ép" là giải quyết ngay được. Vì thế, mọi hành động cần dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề phản biện xã hội; tránh để bị lợi dụng, kích động, vô hình trung vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực tới cộng đồng.

Hà Nội đang tiếp tục đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ. Tổng khối lượng rác thải rắn, rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong khi các dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao còn đang triển khai thì đa số rác thải của thành phố hiện vẫn phải xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đây là một thách thức không nhỏ trên đường phát triển. Lẽ đương nhiên, để hóa giải thách thức này rất cần phải có sự chung tay, đồng cảm, đồng thuận và ủng hộ của người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chuyện chặn xe rác ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.