Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lơ là, chủ quan

Liên Nhi| 31/07/2019 06:12

(HNM) - “Thủy - hỏa - đạo - tặc” - Người xưa đã đúc kết trong 4 đại họa của cuộc sống (gồm nước, lửa, trộm cắp, giặc giã), “thủy” được xếp hàng đầu.

Xác định được "giặc nước" có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng quan ngại và cũng khó phòng tránh, thời gian qua thành phố Hà Nội luôn quan tâm, kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Bên cạnh việc đầu tư củng cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình hạ tầng (đê điều, kè, hồ, đập…); trang thiết bị, hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, các ngành, các cấp đã rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra.

Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thi công 16 công trình xử lý cấp bách các sự cố đê điều, thủy lợi, để kịp bàn giao, đưa vào chống lũ trước mùa mưa bão năm 2019...

Thực tế cho thấy, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, giải pháp quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với thực tế. Nhất là trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. 

Với đặc điểm có nhiều tuyến sông, hệ thống đê điều lớn, nhiều khu dân cư sinh sống ngoài bãi…, thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về chủ động phòng, chống lụt, bão. Việc phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai cần chú trọng ngay từ trong nhà trường, cộng đồng. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo, phòng, chống thiên tai. Khi có sự chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả từ mỗi người, mỗi nhà, chắc chắn thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra được giảm thiểu, bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Để chủ động phương án ứng phó với thiên tai, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai, công trình nhà ở (nhất là nhà ở cũ có nguy cơ cao sập đổ) cũng cần được thực hiện thường xuyên; mọi hư hỏng, sự cố phải được sửa chữa, khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn công trình theo phân cấp. Thời gian qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đã chủ động tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão tại cơ sở. 

Đặc biệt, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, như các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức; lưu ý nơi thường xảy ra lũ rừng ngang, chủ động có phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Với những phần việc trên, phương châm "4 tại chỗ" phải được quán triệt, tuân thủ chặt chẽ; công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều không được lơ là.

Công tác diễn tập, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, đặc biệt là mưa, bão, lũ, phù hợp cũng được coi trọng, tổ chức nghiêm túc. Đây là việc cần thiết và cần được tiếp tục thực hiện để không chỉ lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai ngày càng chuyên nghiệp, xung kích trên “trận địa” phòng, chống lụt, bão mà người dân ở vùng trọng yếu cũng có kỹ năng xử lý những tình huống xấu phát sinh…

Tất cả cho thấy, các cấp, ngành, địa phương ở thành phố luôn chủ động, không chủ quan để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lơ là, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.