Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cụ hữu hiệu

Liên Nhi| 04/08/2019 06:28

(HNM) - Cùng với Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực từ ngày 15-6-2019 được xem là các công cụ pháp lý hữu hiệu, vừa góp phần minh bạch hóa biện pháp quản lý, vừa thiết lập chuẩn mực để quản lý chặt chẽ hơn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trước đây, theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuổi thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu không vượt quá 10 năm trong tất cả các lĩnh vực. Quy định này góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi máy móc, thiết bị cũ vẫn bảo đảm năng lực sản xuất, không ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, nhưng không được nhập khẩu do giới hạn tuổi thiết bị là 10 năm.

Với Quyết định 18/2019/QĐ-TTg, ngoài việc quy định mốc thời gian đã qua sử dụng không quá 10 năm với đa số các máy móc, thiết bị nhập khẩu, đã nới lỏng với một số trường hợp nhất định, chủ yếu là lĩnh vực cơ khí không có nhiều rủi ro về môi trường.

Để quyết định đi vào cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu ngăn chặn những công nghệ lạc hậu có nguy cơ ô nhiễm môi trường, trước mắt phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định hiện hành; đặc biệt trong thẩm định năng lực, kinh nghiệm của các tổ chức cấp chứng thư giám định; thắt chặt công tác “gác cửa” - quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ.

Việc kiểm tra, giám sát không chỉ thực hiện trong giai đoạn thẩm định máy móc, công nghệ dự án đầu tư, nhập khẩu để cấp Giấy chứng nhận đầu tư, mà còn phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ, đột xuất trong suốt quá trình triển khai, hoạt động của dự án đầu tư.

Đối với những doanh nghiệp không tuân thủ luật, cần phải áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, như: Nâng số tiền phạt; giảm thời gian được hưởng các chính sách ưu đãi, thậm chí tăng thuế… Bên cạnh đó, cần khoanh vùng các lĩnh vực có nguy cơ nhập máy móc, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cao, như nhiệt điện, thép, hóa chất, xi măng…, để đưa vào diện giám sát đặc biệt.

Các bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải...) cần phối hợp với Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan để có biện pháp thống kê một cách chính xác và thường xuyên đối với các hàng hóa là máy móc, thiết bị, công nghệ cũ có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng để làm căn cứ, đánh giá thường kỳ, qua đó có thể điều chỉnh chính sách quản lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Hiện nay trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn hạn chế song một số tổ chức khoa học công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước… có năng lực công nghệ khá cao. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý và khuyến khích, ưu tiên các đơn vị này (ví dụ cho phép được sử dụng nguồn thu sự nghiệp để góp vốn) cùng doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm máy móc, thiết bị, dây chuyền. Khi mức độ phụ thuộc vào trang thiết bị, công nghệ từ nước ngoài giảm thiểu, nguy cơ nhập máy móc, dây chuyền công nghệ cũ từ nước ngoài về cũng giảm theo.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải nâng cao năng lực nội tại về tiềm lực tài chính, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Khi đó, mặc nhiên các doanh nghiệp sẽ không “rước” về các máy móc, dây chuyền cũ kỹ, lạc hậu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công cụ hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.