Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực cho tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững

Thế Nguyên| 05/08/2019 06:51

(HNM) - Một sự kiện thực sự ý nghĩa với giới khoa học - công nghệ, đồng thời mang giá trị tham chiếu lớn cho tăng trưởng, phát triển trong kỷ nguyên 4.0 của đất nước là theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới mới đây, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (vị trí năm 2018 là 45/126). Như vậy, Việt Nam vươn lên đứng đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp; thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Vì sao lại nói những chỉ số nêu trên có ý nghĩa như “sự kiện”?

Đổi mới sáng tạo (innovation), theo Luật Khoa học và công nghệ, là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Trên phạm vi toàn cầu, trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo đóng vai trò cốt lõi cho tăng trưởng, trở thành động lực cho con đường vươn tới văn minh, thịnh vượng.

Từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng vấn đề đổi mới sáng tạo. Ở cấp độ vĩ mô, trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới sáng tạo chính là một thành tố quan trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: Nhanh chóng hình thành một số cơ sở nghiên cứu - ứng dụng mạnh, gắn với các doanh nghiệp chủ lực, đủ sức tiếp thu, cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Xây dựng và thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ.

Cụ thể hóa thêm một bước, Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, mục tiêu nâng xếp hạng đổi mới sáng tạo với từng chỉ tiêu, theo lộ trình, được đặt ra.

Tiếp đến, dự hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" diễn ra trung tuần tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo sâu sát, “đặt hàng” các cơ quan hữu quan những phần việc cụ thể.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. “Rào cản” nằm ở ngay nhận thức của không ít cấp, ngành, địa phương và sau đó là cơ chế, chính sách (chưa đồng bộ). Khó khăn khác là trình độ khoa học - công nghệ và vốn đầu tư.

Cụ thể hơn nữa: Yêu cầu hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh... đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vì thế, như người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá: Năng lực khoa học, công nghệ, sự đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún.

Ví dụ đáng để nhìn vào và cũng dễ nhận thấy nhất là ở phạm vi doanh nghiệp. Khi đổi mới sáng tạo không theo kịp yêu cầu phát triển, Yahoo giờ chỉ còn là cái bóng nhạt nhòa phía sau Google; những thương hiệu điện thoại di động đình đám một thời như Sony, Nokia… nay nhường chỗ cho sự lên ngôi của Apple, Samsung…

Sự phát triển của những “ông lớn” công nghệ mà lợi ích thuần kinh tế mang lại của Facebook, Twitter, Baidu… - cũng như ví dụ kể trên - không gì khác, gắn liền với đổi mới sáng tạo. Ở bình diện quốc gia, như chúng ta đã thấy, đổi mới sáng tạo thực sự là hạt nhân mang lại thịnh vượng, vị thế của nhiều nước.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là yêu cầu không thể đảo ngược. Trong khi Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, phần việc còn lại thuộc về đơn vị, tổ chức khoa học - công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, người dân nói chung. Chính sự “đổi mới sáng tạo” trong hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” mở ra những cánh cửa im lìm cản trở quá trình này. Ở đó, những thử nghiệm, “giải pháp không theo khuôn mẫu”, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều đã, đang và tiếp tục được khuyến khích, hỗ trợ.

“Nắm trong tay” nguồn lực đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ có thêm một bước đột phá trong phát triển nhanh và bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực cho tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.