Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm đúng quy trình, quy định

Liên Nhi| 11/08/2019 06:31

(HNM) - Gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện hiện tượng cá nhân hoặc một nhóm dân cư ở các khu đô thị mới tự ý đặt tên, gắn biển cho đường, phố khu vực mình sinh sống. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy cho công tác quản lý đô thị, trật tự giao thông; người dân cũng gặp không ít bất tiện trong đời sống hằng ngày.

Điều đáng nói là việc đặt, đổi tên đường, phố - một việc ý nghĩa và rất quan trọng đối với đời sống xã hội, đã được các cấp, ngành chức năng ban hành quy trình thực hiện chặt chẽ, khoa học. Nhưng tại sao vẫn xảy ra hiện tượng tùy tiện như vậy?

Trước hết, có thể thấy do quá trình đô thị hóa trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra rất nhanh, nhiều đường, phố ở một số khu đô thị được hình thành, nhưng chưa hội đủ các tiêu chí để xét chọn, đặt tên, trong khi người dân lại rất cần địa chỉ số nhà, tên đường, phố để liên lạc, giao dịch. Bên cạnh đó, ở một vài nơi, chính quyền sở tại còn lúng túng, chưa sát sao nắm địa bàn, tổ chức lấy ý kiến người dân về việc đặt tên đường, phố để trình cấp có thẩm quyền quyết định; chưa thực hiện tốt việc quản lý, tuyên truyền, dẫn đến người dân tự đặt tên đường trên bảng hiệu cửa hàng...

Sau một số vụ việc xuất hiện biển tên đường tự phát, cơ quan chức năng của thành phố đã nhanh chóng chấn chỉnh, yêu cầu chính quyền địa phương rút kinh nghiệm, đồng thời tổ chức rà soát các tuyến đường, phố chưa có tên để đề xuất thực hiện quy trình đặt tên. Song về lâu dài có lẽ, các cấp chính quyền, đặc biệt UBND các quận, huyện, thị xã, nên bám sát quy hoạch giao thông, đô thị, sẵn sàng tham mưu việc đặt tên đường, phố song song với quá trình đầu tư phát triển các tuyến đường mới, để khi đường hoàn thành, đưa vào sử dụng có thể gắn biển tên ngay.

Ngoài ra, việc rà soát các tuyến đường, phố để đặt tên cũng cần được chính quyền địa phương làm định kỳ. Từ đó, địa phương chủ động lập danh mục tuyến đường đề xuất với cơ quan chức năng đặt tên theo danh sách có trong ngân hàng tên đường, phố của thành phố; hoặc đề nghị bổ sung tên gắn với địa danh thực tế đã tồn tại từ lâu ở địa phương để hội đồng tư vấn, cơ quan chức năng xem xét… Làm được như vậy sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện những thủ tục liên quan trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Bởi thực tế, những năm qua, ở nhiều nơi, những thắc mắc của người dân và tờ trình thiếu tính thuyết phục của chính quyền địa phương cũng là “nút thắt” tốn thời gian, công sức trong việc đặt, đổi tên đường, phố.

Giải pháp khác cần tính tới là tăng số đợt xét đặt, đổi tên đường, phố mỗi năm cho phù hợp thực tế. Lần đặt tên cho 42 đường, phố Hà Nội gần đây nhất đã diễn ra từ ngày 5-12-2018 trong khi tốc độ đô thị hóa của Thủ đô nhanh bậc nhất cả nước đã phần nào bộc lộ sự bất cập.

Ngoài ra, nên tham khảo một cách thức xử lý mang tính kỹ thuật đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả. Đó là nghiên cứu việc sử dụng số kết hợp với tên địa danh, danh từ có ý nghĩa tiêu biểu, tên di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tên phong trào cách mạng, tên danh nhân (như quy định hiện nay) để tăng quỹ tên đường, giúp thuận tiện trong lựa chọn cũng như sử dụng. Ví dụ với các khu đô thị mới thì tên đường, phố ngang có thể đánh số 1, 2, 3... và tên đường, phố dọc có thể đặt là A, B, C...

Việc đặt, đổi tên đường, phố là đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra rất nhanh; những năm tới, một số huyện dự kiến sẽ thành quận. Vì thế, công việc này càng phải sát sao, tuân thủ đúng quy định, qua đó góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm đúng quy trình, quy định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.