Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học theo Bác mỗi ngày!

Đỗ Quỳnh Chi| 29/08/2019 06:29

(HNM) - Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dài khoảng 1.000 từ nhưng là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

50 năm qua, "mấy lời" để lại của Bác đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nghiêm túc thực hiện. Chúng ta có quyền tự hào khẳng định, 5 lời thề vĩnh biệt Người, do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) thay mặt toàn Đảng, toàn dân đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 đến nay đã được thực hiện tốt, thu được nhiều thắng lợi vẻ vang. Đất nước ta “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”...

Tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tổ chức ngày 28-8, các ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng, bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện theo di nguyện của Người còn hạn chế, thiếu sót.

Đặc biệt, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nổi lên “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên...”, làm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ suy giảm.

Vì vậy, để việc thực hiện Di chúc đạt hiệu quả thực chất, nhất là trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thời gian tới cần tiếp tục gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng; các nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người, phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng thời, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc để nhân lên những thành công, khắc phục yếu kém và khuyết điểm, gạt bỏ những lực cản, tạo động lực mới để phát triển đất nước.

Việc cần làm hiện nay sau bước "học tập" chủ yếu là "làm theo" ra sao? Thiết nghĩ, mỗi cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa rõ nét hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh thành các quy định về đạo đức trong thực thi nhiệm vụ công tác và phong cách làm việc, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng những chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Các tiêu chí về đạo đức công vụ phải cụ thể, rõ ràng và khả thi, tức là có thể thực hiện theo, có thể kiểm tra, đánh giá, có thể theo dõi, giám sát.

Ví dụ, từ những quy định nhỏ về tôn trọng giờ làm việc, hội họp; quy định về xưng hô với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; quy định về trang phục công sở... Và, nhất thiết phải có những quy định về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu về cả tiền bạc, vật chất và thời gian.

Vai trò, trách nhiệm nêu gương của các đảng viên đòi hỏi ngày càng cao và phải luôn được thể hiện đậm nét trên mọi lĩnh vực công tác. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần kịp thời rút ra những bài học cho bản thân, không ngừng tu dưỡng bằng những hành động cụ thể trong đời sống và khi thực thi nhiệm vụ.

Trong khi phục vụ nhân dân, cần đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ trên cả 2 phương diện: Nhân dân là đối tượng được phục vụ và nhân dân là chủ thể giám sát, kiểm tra, theo dõi thực hành công vụ. Nhân dân nhìn vào cán bộ, đảng viên để làm theo... Đó là cách học tập theo Di chúc của Bác thiết thực nhất.

... Sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị định hướng, 50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Di chúc của Người vẫn là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần vô giá giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, đối diện thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học theo Bác mỗi ngày!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.