Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói không với tiêu cực

Đình Hiệp| 23/09/2019 06:57

(HNM) - Biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, bệnh tiêu cực đã và đang làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn rộng hơn, đó còn là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cản trở sự phát triển của xã hội và gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Vụ một nhóm cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi vòi tiền trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì thế, không sớm loại trừ bệnh tiêu cực sẽ làm "biến chất" một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; khiến bộ máy hành chính Nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân và hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả...

Nhận thức rõ những nguy hại đó, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống bệnh tiêu cực. Với Hà Nội, năm 2019 thành phố tiếp tục chọn chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", trong đó nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, việc thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” sẽ tạo thêm động lực để thành phố xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô luôn hết lòng phục vụ nhân dân.

Trên tinh thần đó, ngày 4-9-2019, Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn số 1251-CV/TU, triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Để việc triển khai cuộc vận động đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Đặc biệt, gắn chỉ đạo việc thực hiện cuộc vận động với triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”, Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Việc xây dựng một nền hành chính minh bạch, mang tính phục vụ sẽ giảm thiểu cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc, được coi là một biện pháp quan trọng và cần thiết.

Với các cán bộ, công chức, viên chức là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, cần có "hàng rào kỹ thuật pháp lý" giám sát chặt chẽ, buộc họ không dám và không thể “cục bộ”, “lợi ích nhóm” trong thực thi công vụ.

Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” sẽ được triển khai hiệu quả hơn khi gắn với các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu rằng, đã gánh vác trọng trách trong các cơ quan công quyền là luôn làm đúng bổn phận, trách nhiệm “người đày tớ trung thành của nhân dân” - như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ khiến người dân, doanh nghiệp phải “bôi trơn”... đều đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của người cán bộ cách mạng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, trái với đạo đức công vụ. Vì vậy, những cán bộ, công chức, viên chức đó phải bị loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.

Cũng giống với tham nhũng, chống tiêu cực là một “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Tin rằng, cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” sẽ tạo sự chuyển mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung trong việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tận tụy với nhân dân, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; xây dựng cơ quan văn minh, văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói không với tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.