Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp 4.0: Nông dân sẵn sàng xuất phát

Gia Khánh| 14/10/2019 07:07

(HNM) - Từ khóa "nông nghiệp 4.0" không còn xa lạ khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) ngày càng tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống.

Ngày càng nhiều trang trại ứng dụng thiết bị thông minh, công nghệ nhà kính, nhà lưới, thiết bị tưới tiêu tự động; hệ thống giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; giám sát canh tác giúp cây phát triển tốt hơn, năng suất cao gấp đôi, gấp ba so với truyền thống. Một số doanh nghiệp (như TH True milk, Vingroup...) hợp tác cùng nông dân, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên nền tảng số hóa, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (IoT)... để hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trên thực tế, nhiều nước như Mỹ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Israel... đã thử nghiệm nông nghiệp 4.0 từ những năm 2000. Đến nay, trong chi phí giá thành sản phẩm nông nghiệp của những nước này, chi phí lao động sống chỉ còn 5% (ở Việt Nam là 50%), nhờ đó sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao. Điển hình là Israel, quốc gia có diện tích nhỏ, đất đai khô cằn, song giá trị mỗi héc ta canh tác ở những khu nông nghiệp khép kín có thể đạt tới 120.000 - 150.000 USD/năm.

Rõ ràng, nông nghiệp 4.0 đã chứng minh được hiệu quả về nhiều mặt. Song, một câu hỏi được đặt ra là nông dân Việt Nam - chủ thể trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0?

Về xuất phát điểm, theo các tài liệu nghiên cứu dựa trên quá trình phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, nông nghiệp 1.0 là giai đoạn sản xuất chủ yếu dựa vào sức lao động, phụ thuộc thiên nhiên; nông nghiệp 2.0 bắt đầu khi nghiên cứu giống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc được đưa vào phục vụ sản xuất; nông nghiệp 3.0 xuất hiện nhờ những đột phá về công nghệ sinh học, điều khiển tự động... Và giờ, nông nghiệp 4.0 hình thành nhờ sự phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, robot, điều khiển tự động..., từ đó tối ưu hóa sản xuất. Như vậy, ở Việt Nam hiện nay vừa có nông nghiệp 2.0, nông nghiệp 3.0 và có cả những điểm sáng ứng dụng giải pháp, thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp 4.0.

Tuy bước đầu nông nghiệp 4.0 đã được áp dụng, nhưng nhìn chung còn manh mún; nhận thức, trình độ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp ở nước ta còn rất thấp. Rõ nhất là cả nước có 9,5 triệu nông hộ, với diện tích canh tác bình quân chỉ từ 0,4 đến 1,2ha/hộ, thiếu vốn, thiếu kiến thức nên không có điều kiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất; số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (mang tính đầu tàu, dẫn dắt) rất ít.

Khi có xuất phát điểm ở nhiều giai đoạn khác nhau, nông dân cũng phải đối diện với những thách thức khi công nghệ phát triển, như dư thừa lao động (thiết bị tự động thay thế con người); bất bình đẳng thu nhập (ứng dụng công nghệ cao cho năng suất gấp hàng chục lần so với sản xuất đơn giản).

Xác định xuất phát điểm không phải vì tự ti mà để tiếp cận với quan điểm: Nếu không bắt kịp xu hướng, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn; nông dân Việt Nam thua ngay trên "sân nhà" trong quá trình hội nhập. Từ đó, giải tỏa tâm lý tự ti về Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, có được định hướng, giải pháp phù hợp, đột phá; tận dụng tối đa cơ hội, nhanh chóng phát triển mô hình nông nghiệp 4.0. 

Trước thời cơ và cả thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 27-9-2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Trong đó, xác định các nội dung cốt lõi như: Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực...; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới... Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế sẽ phát triển hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ngành và công nghệ ưu tiên... Đặc biệt, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân, doanh nghiệp là chủ thể quyết định tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là những nền tảng quan trọng để tham gia sâu hơn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, nông nghiệp 4.0 nói riêng.

Cụ thể hơn với nông nghiệp 4.0, đó là tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành theo hướng chuyển từ chủ yếu dựa vào đất đai, lao động rẻ sang đổi mới sáng tạo, nắm bắt, đón đầu thành tựu khoa học, công nghệ; đi đôi với bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động. Tiếp tục các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho nông dân, khuyến khích tham gia chuỗi liên kết sản xuất; cùng với chính sách tích tụ ruộng đất... Đây là điều kiện cần để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tuy đứng trước nhiều thách thức, nhưng nông dân, nông nghiệp cũng có không ít cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và nông nghiệp 4.0 không hoàn toàn xa vời với nông dân nếu năng động, dám nghĩ, dám làm để trở thành công nhân nông nghiệp của nền sản xuất lớn, nông nghiệp thông minh; bên cạnh các chủ trương, chính sách xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu chính là tiền đề; khát vọng, quyết tâm của giai cấp nông dân và toàn hệ thống chính trị chính là sự sẵn sàng tích cực, chủ động cho nông nghiệp 4.0...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp 4.0: Nông dân sẵn sàng xuất phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.