Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực thi nghiêm vì sự phát triển!

Lê Duy| 21/10/2019 07:37

(HNM) - Ngày 26-10-2004, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam. Tham gia "sân chơi" toàn cầu như một tất yếu trong xu thế hội nhập, cũng như nhiều quốc gia thành viên, Việt Nam kỳ vọng luật chơi chung sẽ đem đến sự lành mạnh cho môi trường văn hóa, tạo động lực cho sáng tạo nghệ thuật… Thế nhưng, 15 năm trôi qua, trên thực tế, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là vấn nạn đối với nhiều loại hình nghệ thuật như: Hội họa, điện ảnh, âm nhạc… Đây là vấn đề cần được giải quyết rốt ráo, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đã, đang trở thành nguồn lực mới thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Công ước Berne được ký tại Thụy Sĩ năm 1886, sau những nỗ lực vận động của đại văn hào Victor Hugo, đã nhiều lần được chỉnh sửa và có hơn 160 quốc gia tham gia. Thực hiện công ước với các nội dung cơ bản về quyền tinh thần và quyền kinh tế, những sáng tạo của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… của Việt Nam đều được pháp luật bảo hộ. Ngày 29-11-2005, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ tám đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ và ngày 19-6-2009, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có việc bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Như vậy, ở "sân chơi" chung này, môi trường văn hóa của Việt Nam sẽ được thanh lọc; tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng trí tuệ của người khác vì mục đích lợi nhuận sẽ bị loại trừ; động lực sáng tạo sẽ được thúc đẩy và nhiều lợi ích khác như: Thu hút đầu tư, mở rộng thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật…

Trong thời đại kinh tế tri thức dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy một thực tế: Phần lớn tài sản của các doanh nghiệp tại những quốc gia phát triển là tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, sáng chế… Trong đó, lợi ích bản quyền sáng tạo có giá trị rất lớn.

Ở Việt Nam, mặc dù nhận thức cũng như ý thức về sở hữu trí tuệ đã có bước chuyển tích cực, song thực tế cho thấy, bản quyền tác giả vẫn là câu chuyện dài. Những ồn ào về vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị) kéo dài hơn chục năm, rồi vụ kiện bản quyền liên quan đến vở thực cảnh Ngày xưa giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội với Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc… chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Vấn nạn vi phạm bản quyền tiếp tục diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền tác giả thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập. Chưa kể tình trạng, nhiều tác giả chưa thật sự quan tâm đến việc bảo vệ tác phẩm của mình. Những ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số cũng khiến vấn nạn “sao chép” ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất là người sử dụng các sản phẩm văn học, nghệ thuật, dịch vụ công nghiệp văn hóa vẫn giữ thói quen “dùng của chùa”, chưa hình thành được ý thức trả tiền khi sử dụng thành quả sáng tạo của người khác.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 8-9-2016, khẳng định: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học, công nghệ và bản quyền trí tuệ… Có nghĩa là, Nhà nước đã xác định, để có một nền công nghiệp văn hóa phát triển thì việc bảo vệ bản quyền, chất xám, sự sáng tạo… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để đẩy lùi vấn nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trước hết các cơ quan chức năng cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa thời kỳ mới, từ đó nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, đáp ứng yêu cầu bảo hộ trong nước và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả, các tổ chức dịch vụ quyền tác giả và thúc đẩy việc hình thành đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền nói riêng và trong các ngành công nghiệp văn hóa nói chung.

Trong “thế giới phẳng”, các vi phạm về quyền tác giả sẽ ngày càng phổ biến trên môi trường internet. Vì vậy, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực thi quyền tác giả sẽ là xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền để các tác giả nhận thức rõ hơn về giá trị của tài sản trí tuệ, từ đó chủ động bảo vệ thành quả sáng tạo của mình. Đặc biệt là nâng cao ý thức của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật để tất cả cùng nói không với các sản phẩm sao chép, không có bản quyền…

Thực thi nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ chính là góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng của nước ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực thi nghiêm vì sự phát triển!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.