Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để bằng cấp là thước đo chính xác

Đình Hiệp| 03/11/2019 06:35

(HNM) - Thay vì phải “lao tâm, khổ tứ”, dành thời gian, công sức để “học thật, thi thật”, nhiều người lại chọn giải pháp nhanh gọn là mua văn bằng, chứng chỉ giả để hoàn thiện hồ sơ. Có cầu ắt có cung, "ngành nghề" kinh doanh bằng cấp, chứng chỉ giả cũng nhờ đó mà phát triển, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong công tác đào tạo, cấp văn bằng 2 tại Trường Đại học Đông Đô vừa qua là một minh chứng cho thấy sự phức tạp của vấn đề không mới này. Mặc dù báo chí cũng như dư luận không ít lần “điểm mặt, chỉ tên” thạc sĩ nọ, cử nhân kia dùng bằng giả, chứng chỉ mua, rồi “đạo” luận văn, luận án nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi hơn.

Một số tổ chức, cá nhân còn công khai thực hiện hành vi cung cấp, trao đổi, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn, nghiệp vụ trên mạng. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng bằng cấp, chứng chỉ “ra đời” từ các chương trình đào tạo liên kết, học từ xa, học trực tuyến trong nước lẫn ngoài nước khi chưa được ngành Giáo dục cấp phép. Nhiều trường hợp cán bộ công chức, viên chức sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả hoàn thiện hồ sơ để thăng tiến.

Các hoạt động vi phạm pháp luật này đang gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội cũng như bản thân người học, tạo ra sự bất công cho những người đi học chân chính, thực chất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu là do chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, khi cơ chế tuyển dụng vẫn còn tình trạng coi trọng bằng cấp khi tuyển dụng, chuẩn hóa cán bộ thì nhu cầu về bằng cấp, chứng chỉ để làm “đẹp hồ sơ” là khó tránh khỏi. Trong khi đó, công tác cung cấp, đào tạo văn bằng cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của nhiều cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập chưa được khắc phục.

Vì thế, đã đến lúc phải lập lại trật tự trong công tác đào tạo, cấp văn bằng và chứng chỉ nhằm bảo đảm sự công bằng, quyền lợi cho những người “học thật, thi thật”.

Để làm được điều đó, trước hết các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải tiến hành rà soát tổng thể để hạn chế những bất cập trong công tác này. Theo đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định mẫu về văn bằng, chứng chỉ; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ và dán tem bảo hiểm lên các phôi văn bằng, chứng chỉ... để tránh làm giả như từng xảy ra. Cùng với đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu, xác minh văn bằng, chứng chỉ là cần thiết nhằm hạn chế những sai phạm trong công tác này cũng như bảo đảm quyền lợi cho người học.

Song song với đó là xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan đến việc tiếp tay cho hoạt động mua - bán, làm giả các văn bằng, chứng chỉ trái quy định của pháp luật. Với các địa phương, các cơ sở giáo dục, cần chủ động hơn trong phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn.

Bằng cấp là thước đo đánh giá năng lực, trình độ học vấn của mỗi người. Thế nhưng, vấn nạn “học giả, bằng thật” hoặc “học giả, bằng giả” xảy ra phổ biến khiến thước đo đó có thể bị biến dạng. Một cơ chế đánh giá bằng cấp đúng mức, hợp lý sẽ không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người “học thật, thi thật”, giúp tuyển dụng, đào tạo được những cán bộ “có tâm, có tầm” để cống hiến cho xã hội, mà còn khiến nạn bằng giả, chứng chỉ giả không còn đất sống. Khi đó, bằng cấp sẽ thực sự là thước đo chính xác với năng lực, sự cố gắng của học viên.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để bằng cấp là thước đo chính xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.