Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng cho nông nghiệp đô thị

Thế Văn| 04/11/2019 06:36

(HNM) - Hiện có 7.747ha đất trồng lúa kém hiệu quả của Hà Nội đã được chuyển sang trồng hoa cây cảnh, rau củ và các loại cây lâu năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Những mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3 đến 8 lần và điều quan trọng là cùng với quá trình chuyển đổi, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, sản xuất quy mô lớn.

Tại nhiều hội thảo, diễn đàn về phát triển nông nghiệp đô thị, giới nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách có chung nhận định: Với vùng ven đô Hà Nội, không nhất thiết phải trồng lúa, mà có thể trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Vấn đề là nâng hiệu quả và sử dụng đất đúng mục đích. Mặt khác, với bối cảnh phát triển hiện tại, sản xuất nông nghiệp phải gắn với các nguyên tắc thị trường và đáp ứng được yêu cầu từ thị trường. 

Như vậy, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả phù hợp với xu hướng cũng như những đòi hỏi từ tiến trình phát triển thực tế của nông nghiệp Thủ đô. Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi ở các địa phương trên địa bàn thành phố cho thấy rất rõ điều đó. Ví dụ, mô hình trồng hoa ly ở huyện Đan Phượng (cho thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha) hay mô hình trồng chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan ở huyện Phúc Thọ (cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha)…

Mặt khác, qua quá trình chuyển đổi này, Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa như vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng…; vùng trồng cây ăn quả ở các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Phúc Thọ…

Cùng với đó hàng loạt công nghệ hiện đại được đưa vào sản xuất như: Giống nuôi cấy mô, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới… Đến nay giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Đây cũng là tiến trình phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện đại mà Hà Nội đang hướng tới.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đến năm 2020, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi tổng cộng 8.407ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản, đồng thời từng bước tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại - nông nghiệp công nghệ cao.

Một số nhiệm vụ đã được đề ra và tập trung triển khai trong thời gian tới. Đó là gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp tập quán canh tác, lợi thế đất đai của từng địa phương và có tính toán đến yếu tố thị trường, nhất quyết không để tình trạng chuyển đổi tự phát theo phong trào. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo đảm tiến trình chuyển đổi đúng kế hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật…

Mặt khác là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cùng nông dân thúc đẩy tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao; xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và tạo dựng thương hiệu cho nông sản Hà Nội.

Cùng với đó, tăng cường các giải pháp đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh việc lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mở hướng cho nông dân Hà Nội làm giàu trên đất lúa mà còn từng bước hình thành những vùng chuyên canh, đưa công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng để hướng tới một nền nông nghiệp đô thị xanh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng cho nông nghiệp đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.