Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn là trên hết!

Chí Kiên| 19/11/2019 06:30

(HNM) - Tích trữ thực phẩm lâu ngày để sử dụng, xét ở mọi khía cạnh đều gây ra những nguy cơ khó lường cho sức khỏe con người. Do đó, việc thay đổi thói quen tiêu dùng không khoa học, mua thực phẩm đến đâu sử dụng hết đến đó, đặc biệt trong dịp lễ, Tết là điều mỗi người nội trợ cần làm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Một con số đáng lo ngại là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn do tự chế biến, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Qua đây cho thấy thực tế vẫn còn không ít người sử dụng thực phẩm chưa đúng cách hoặc dùng hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Vấn đề người tiêu dùng cần nhận thức được để thay đổi thói quen là hiện nay, thị trường tiêu dùng nói chung, lĩnh vực thực phẩm nói riêng đã bảo đảm khá đầy đủ các mặt hàng, nhất là nông sản tươi sống. Đặc biệt, tại Hà Nội, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các ngành chức năng và doanh nghiệp, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng, giá cả hàng hóa. Trong đó phải kể đến các chương trình hiệu quả mà thành phố đã thực hiện trong những năm qua như: Kết nối cung cầu nông sản an toàn với nhiều địa phương; bình ổn thị trường; đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức hội chợ thương mại... Đáng chú ý là kênh tiêu dùng thương mại điện tử được thành phố chú trọng mở rộng, tạo nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm vật phẩm thiết yếu, nhất là trong dịp lễ, Tết.

Hiện các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã chủ động các kế hoạch để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân về chất lượng, số lượng hàng hóa trong dịp mua sắm cuối năm nay. Việc quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần thực hiện tốt những chương trình, kế hoạch đã cam kết. Những việc cụ thể phải triển khai là chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, đủ chủng loại, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo; thực phẩm khô, tươi sống…

Thông thường, tình hình thị trường thực phẩm cuối năm diễn biến khá phức tạp, đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái sẽ tìm đủ mọi cách để phân phối, lưu thông. Người tiêu dùng vì thế cũng dễ mua phải hàng kém chất lượng, không an toàn thực phẩm. Do đó, địa phương và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiêu dùng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Những nơi cần lưu ý là làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nguồn hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ biên giới qua các ngả đường vận chuyển về Hà Nội…

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp những thông tin cần thiết về các chương trình, kế hoạch phân phối hàng hóa của thành phố cũng như các đơn vị, doanh nghiệp để người dân biết, chủ động việc mua sắm. Trong đó, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội, lồng ghép chương trình truyền thông đến hội viên về cách phân biệt hàng thật - hàng giả; việc tích trữ, sử dụng thực phẩm như thế nào cho đúng cách, nhất là những ngày Tết…

Sự chủ động của người tiêu dùng để loại bỏ những nguy cơ từ thực phẩm không an toàn cũng giữ vai trò quan trọng. Theo đó, khi chuẩn bị thực phẩm cho ngày lễ, Tết, cần dựa trên nhu cầu của gia đình để mua vừa đủ dùng, tránh tích trữ quá nhiều - do thời tiết mưa ẩm ở miền Bắc, nóng bức ở miền Nam trong dịp Tết Nguyên đán rất dễ làm thực phẩm ẩm mốc, ôi thiu, gây hại cho sức khỏe. Trường hợp phải lưu trữ thực phẩm trong nhiều ngày, cần trang bị tủ lạnh hoặc tủ bảo ôn dung tích bảo đảm công suất sử dụng.

Trong hoàn cảnh nào thì yếu tố an toàn thực phẩm, an toàn sử dụng vẫn là trên hết!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn là trên hết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.