Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tương xứng với tiềm năng

Thiện Mỹ| 26/05/2020 05:57

(HNM) - Mặc dù số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng không nhiều, nhưng vẫn khẳng định được vị thế quan trọng là cầu nối đưa các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần cung cấp cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ của thành phố Hà Nội đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường khi có được những sản phẩm chất lượng, uy tín. Trong đó, có những sản phẩm đã được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, hiện Hà Nội mới chỉ có 70 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng về khoa học công nghệ của thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó không ít doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp, chưa thật sự quan tâm đến chính sách ưu đãi với lĩnh vực khoa học công nghệ (giảm thuế, tiền thuê đất...). Mặt khác, một số doanh nghiệp "ngại" làm các thủ tục để được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ...

Với tầm nhìn dài hơi, thấy rõ vai trò quan trọng của loại hình doanh nghiệp này, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ hỗ trợ thành lập và phát triển được 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Với những ưu đãi nhất định, thành phố khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có hoạt động nghiên cứu và phát triển thuộc mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhằm hình thành lực lượng tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Để mục tiêu này trở thành hiện thực, trước mắt, các sở, ngành liên quan cần triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 49/KH-UBND ngày 28-2-2020 của UBND thành phố về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. Trong đó, việc hỗ trợ đào tạo tập huấn, ươm tạo doanh nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế… phải được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ...

Bên cạnh “đòn bẩy” hỗ trợ nêu trên, để thành lập được ngày càng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ, công tác tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách ưu đãi của thành phố cũng rất cần được cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện thường xuyên. Khi doanh nghiệp hiểu được lợi ích, cơ hội, họ sẽ có những đầu tư thỏa đáng. Song song đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho phép thành lập, chứng nhận các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đặc biệt, việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ cần được làm nghiêm để doanh nghiệp tin tưởng, những thành quả lao động của họ được bảo vệ.

Về phía các doanh nghiệp khoa học công nghệ, cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu thị trường để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất kinh doanh... Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động liên kết trong đầu tư dây chuyền sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Khi đó, Hà Nội sẽ có được một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với tiềm năng của Thủ đô - trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để tương xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.