Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa cấp bách, vừa lâu dài

Thế Văn| 05/08/2020 06:20

(HNM) - Những năm gần đây, kinh tế trang trại trên cả nước đã phát triển cả về “lượng” và “chất”. Riêng tại thành phố Hà Nội, đến thời điểm này có 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống trang trại của Hà Nội đã và đang cung cấp một sản lượng gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy sản… tương đối lớn cho thị trường Thủ đô, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, đa số trang trại trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa. Những nguyên nhân chủ yếu là, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ gia đình, nên thiếu vốn đầu tư chiều sâu, trong khi nhiều tổ chức tín dụng chưa tạo điều kiện cho chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Năng lực quản lý của các chủ trang trại chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế do việc điều hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm; người lao động hầu hết chưa qua đào tạo nên khó tiếp nhận công nghệ mới. Đặc biệt, các thủ tục liên quan đến việc thuê, thầu đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời gian thuê đất... còn nhiều bất cập, nên các chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Do vậy, khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế trang trại không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định, chất lượng cho người tiêu dùng Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp mà còn góp phần phát triển nông nghiệp một cách bài bản, bền vững. 

Trước hết, các cấp, ngành cần nỗ lực chỉ đạo các ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông... tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; rà soát, đề xuất với UBND thành phố có cơ chế tín dụng phù hợp để thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các trang trại.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô, chính quyền các địa phương cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao nhận thức thị trường, năng lực quản lý, điều hành cho các chủ trang trại, trình độ kỹ thuật cho người lao động. Đặc biệt, chú trọng đến việc quy hoạch, xây dựng các trang trại đủ quy mô sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, vừa phục vụ nhu cầu thị trường trong nước vừa xuất khẩu. Mặt khác, hình thành hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các trang trại - điều kiện giúp chủ trang trại tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, về lâu dài cần bảo đảm môi trường pháp lý cho các chủ trang trại tích tụ ruộng đất với thời gian thích hợp, phù hợp với quy mô và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đối với các chủ trang trại, cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, cần thực hiện đúng quy trình, tuyệt đối tránh kiểu làm ăn "chộp giật"...

Phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trang trại là đòi hỏi từ thực tế, vừa là vấn đề cấp bách, vừa mang ý nghĩa lâu dài. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chắc chắn kinh tế trang trại sẽ có bước chuyển tích cực, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa cấp bách, vừa lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.