Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ nguy cơ “ô nhiễm trắng”

Thế Văn| 28/08/2020 06:17

(HNM) - Tại Việt Nam, số lượng chất thải nhựa và túi nhựa đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo một thống kê, nếu 10% chất thải nhựa và túi nhựa không được tái chế, thì lượng chất thải này lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 6.000-7.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%.

Hiện, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Những con số nêu trên cho thấy, rác thải nhựa đang từng ngày, từng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa - “ô nhiễm trắng” đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết với toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các phong trào chống rác thải nhựa đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, thể hiện qua việc thu gom các vật dụng làm bằng nhựa hay giảm thiểu sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần… Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất nhựa của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ tái chế nhựa còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chi phí cao; trong khi người dân vẫn chưa hình thành được thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày, do vậy, việc xử lý rác thải nhựa vẫn là bài toán khó.

Để loại bỏ nguy cơ “ô nhiễm trắng”, bảo đảm phát triển bền vững ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, Thủ tướng chỉ thị: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa)…

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có nhận thức đúng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy chuẩn, quy định về kỹ thuật cho sản phẩm hàng hóa nhựa tái chế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh, kiểm tra cũng như xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc những hành vi nhập lậu rác thải, xả rác thải nhựa ra môi trường.

Cùng với đó, các địa phương cần có các chính sách, giải pháp khuyến khích việc phân loại rác thải tại nguồn; thúc đẩy việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. Đồng thời tạo hành lang pháp lý để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp nhựa, công nghiệp tái chế, từ đó hình thành thị trường tái chế; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa. Đồng thời, động viên, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp hiệu quả cho việc giải quyết vấn nạn rác thải nhựa; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc đẩy lùi rác thải nhựa.

Về phía doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người dân cần chung tay giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ loại bỏ được nguy cơ “ô nhiễm trắng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ nguy cơ “ô nhiễm trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.