Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới giáo dục vì tương lai

Bắc Vũ| 16/11/2020 06:34

(HNM) - Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ và ngành Giáo dục không nằm ngoài xu hướng này. Song, làm sao "hội nhập mà không hòa tan", vừa giữ được nét đặc thù của nền giáo dục nước nhà vừa mạnh mẽ đổi mới, từng bước tiệm cận chuẩn chung của thế giới?

Lâu nay, chúng ta luôn xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục vừa không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa phải phù hợp xu hướng giáo dục thế giới. Thực tế cho thấy, phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo là một bài toán không hề dễ, khi mà sản phẩm của giáo dục chính là con người - phải vừa mạnh khỏe về thể chất, vừa có vốn tri thức và kỹ năng cần thiết để bổ sung cho nguồn nhân lực quốc gia; và trước xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, yêu cầu về chất lượng sản phẩm giáo dục càng đặt ra cao hơn.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong giáo dục, không chỉ thể hiện ở những tấm huy chương trong các cuộc thi. Đó là: Các chương trình, sách giáo khoa được nghiên cứu, cải tiến và cập nhật bên cạnh việc đầu tư lớn cho cải tiến, nâng cấp trường lớp; bên cạnh loại hình đào tạo công lập, nhiều trường lớp tư thục ra đời, góp thêm nguồn lực từ xã hội cho công tác giáo dục; trước đây chỉ đánh giá thụ động qua điểm số thì nay nhà trường có thể quản lý, nhận xét người học trực tiếp qua những phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; có thêm nhiều mô hình xã hội học tập, học ngoài nhà trường... Tất cả đã góp phần hiện đại hóa công tác giáo dục, để việc dạy và học trở nên dễ dàng hơn, liên tục hơn, phù hợp với nhiều nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau. Nhờ vậy, giáo dục phổ thông của Việt Nam đã bước vào nhóm 50 nước và giáo dục nghề nghiệp cũng được xếp vào nhóm 100 nước đứng đầu thế giới.

Nhưng, vẫn còn đó nhiều vấn đề còn là câu hỏi chưa có lời giải xác đáng: Việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên như thế nào? Thi đại học ra sao để tuyển được sinh viên chất lượng? Việc thi “hai trong một” dù được đánh giá là đổi mới, đột phá nhưng dư luận vẫn băn khoăn về chất lượng chuẩn “đầu vào”, “đầu ra”… Hay cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học thế nào là hiệu quả nhất...? Gần đây, quanh bộ sách tiếng Việt lớp 1, nhiều ý kiến phụ huynh đánh giá, chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Việt “nặng và khó hơn” trước, nhiều bài học "khó hiểu", "thiếu tính giáo dục", thậm chí "cổ xúy cho thói xấu"…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với 63 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Giáo dục phải đi trước một bước, hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng thế giới; điều gì đã là xu thế thế giới, thì nhất định không đi ngược lại. "Đi trước một bước" chính là sớm rút kinh nghiệm thực tế, học hỏi cách làm chung của thế giới, giải cho hết những câu hỏi nêu trên, để sớm có một xã hội học tập trên nền tảng bản sắc văn hóa nước nhà, vừa nhanh nhạy tiếp thu cái hay, cái tốt của giáo dục thế giới. Không thể cứ e ngại, bảo thủ mà không chịu nắm bắt xu thế chung, càng không thể chỉ chạy theo cái "mới" mà vội phủ định cội nguồn.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới trở nên “phẳng” đối với mọi lĩnh vực, không riêng ngành Giáo dục. Yêu cầu hội nhập càng cao thì đổi mới giáo dục càng trở nên cấp thiết. Công việc này rất khó khăn, đòi hỏi thời gian và công sức, tập trung nỗ lực của toàn ngành, toàn xã hội. Và, chỉ có sự quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm, thì việc đổi mới giáo dục mới chắc chắn thành công.

Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ, ngành Giáo dục phải “chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại”.

Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư để có được con người - sản phẩm quý giá nhất trong mọi sản phẩm, là sự đầu tư cho phát triển, cho tương lai mai sau. Đảng, Nhà nước đã xác định "giáo dục là quốc sách hàng đầu" chính là bởi như vậy. Hội nhập quốc tế là xu thế không thể đảo ngược và giáo dục không thể tách mình khỏi xu thế này. Trước khó khăn, thách thức, yêu cầu cao của người dân về giáo dục, thì ngành Giáo dục càng phải kiên trì, kiên định, không ngừng sáng tạo để góp phần đào tạo được những lớp người Việt Nam mới “vừa  hồng, vừa chuyên”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới giáo dục vì tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.