Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nhẫn” mà không nhẫn!

Người Xây Dựng| 20/02/2019 06:21

(HNM) - Chiều 7-2, trong khuôn viên bên hồ Văn (phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) rất đông người tản bộ xem các ông đồ viết thư pháp.

Dừng trước một ông đồ râu tóc bạc trắng, chị Đào (ở ngõ Văn Hương, phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa), ngỏ ý muốn xin ông một chữ.

- Phải chờ cô ạ, ba người này - Ông đồ chỉ mấy khách xung quanh - họ đến trước mà…

Đúng lúc này, một thanh niên ăn mặc khá bóng bẩy vừa đến, anh ta len vào ngồi sát ông đồ, nói nhỏ (nhưng mọi người đều nghe thấy): “Bác lấy giá bao nhiêu một bức, con xin trả gấp đôi, nhưng phải làm ngay cho, con đang vội không chờ được…”.

- Nếu mọi người đến trước đồng ý, tôi sẽ viết trước cho, chứ không lấy thêm đồng nào cả…

Thấy mọi người chừng như không muốn đôi co, có ý nhường nhịn trước sự chen ngang của anh nọ, ông đồ hỏi: “Vậy anh muốn viết chữ gì ?” - “Con xin chữ “Nhẫn” ạ”.

Vừa trải giấy, chấm mực viết, ông đồ vừa nói, rất chậm rãi:

- “Nhẫn” ngoài nghĩa gốc là kiên trì, kiềm chế, chịu đựng… còn hàm nghĩa phải biết nhường nhịn, chia sẻ, hy sinh cho người khác. Nếu ta chỉ nghĩ đến mình, giành sự được, sự thắng về mình, thì chữ “nhẫn” không còn ý nghĩa gì nữa…

Viết xong, ông đồ trao cho khách. Anh nọ vứt tiền xuống mặt bàn rồi quay đi thẳng. Nhìn theo anh “chen ngang” đi khuất, chị Đào lắc đầu: “Ăn mặc sang trọng thế mà ứng xử ở nơi công cộng kém văn hóa quá! - Rồi quay lại ông đồ - Nhưng quả là bác giảng chữ hay tuyệt! Không biết anh chàng ấy có hiểu không, nhưng đúng là đòi chữ “nhẫn” mà không hề biết nhẫn chút nào cả!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhẫn” mà không nhẫn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.