Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiệm lời thế sao?

Người Xây Dựng| 13/11/2019 06:57

(HNM) - Sáng 4-11, chị Linh ở ngõ Quỳnh, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho con gái ra ăn sáng ở gần nhà. Thấy hai cô gái trẻ bước vào quán, chị bán hàng đon đả:

- Hai em ngồi ghế đi, ăn bánh đa cua nước hay trộn?

- Một nước, một trộn! - Một cô đáp.

- Thế các em có ăn rau, giá hay thêm giò không? - Chị bán hàng tiếp lời.

- Đầy đủ! - Cô bạn đáp gọn lỏn.

Nghe vậy, con gái chị Linh quay sang nói nhỏ:

- Mẹ ơi, hai chị kia nói trống không là thiếu tôn trọng người khác mẹ nhỉ?

- Đúng rồi, không nên thế - Chị Linh trả lời con.

Không ngờ, con gái chị Linh tiếp tục thắc mắc:

- Mẹ này, ở lớp con bạn nào không thưa gửi lễ phép là bị cô giáo phê bình đấy.

Chẳng biết nói tiếp với con thế nào song chị Linh thấy thất vọng về cách nói của hai cô gái trẻ kia. Không lẽ thanh niên bây giờ kiệm lời thế sao?

Kể lại chuyện này với Người Xây Dựng, chị Linh chia sẻ: Người xưa có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” quả không sai. Qua cách xưng hô, người ta có thể đánh giá được về nhân cách của mỗi con người. Bởi vậy, theo chị, mọi người cần có ý tứ trong lời ăn tiếng nói sao cho chuẩn mực, tránh lối nói cộc lốc khó nghe, qua đó không chỉ thể hiện con người lịch sự, văn minh mà còn phát huy, tiếp nối nét thanh lịch trong ngôn ngữ giao tiếp của người Thủ đô nghìn năm văn hiến.        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiệm lời thế sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.