Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tư thế" của người Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng được nâng cao

Tuyết Minh| 06/02/2019 13:07

(HNMO) - Gặp Nguyễn Thị Bích Yến trong một chiều cuối năm, câu hỏi đầu hiện ra trong đâu tôi là: Không hiểu sao một cô gái bé nhỏ như vậy mà có đủ sức lực làm những việc lớn mà theo cách nghĩ thông thường vốn không dành cho “nữ nhi” như vậy?



Nhà văn, nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến đang sống tại Áo.


Tiến sĩ, nhà văn, nhà báo Bích Yến đang làm nghiên cứu chiến lược truyền thông và truyền thông chính trị tại châu Âu và là Đại diện Thường trú của báo Văn Nghệ tại Cộng hòa Áo, châu Âu, Liên hợp quốc (tại Vienna). Cô là một trong 100 kiều bào tiêu biểu về tham dự chương trình Xuân quê hương năm 2019.

TS Nguyễn Thị Bích Yến, tác giả cuốn sách “Những mảnh ghép Quân vương” (ký báo chí văn học), “Một nửa là người” (tập truyện ngắn)… và là người sáng lập/tác giả (chính) của Ban dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”.

Làm báo như một cái duyên

- Cơ duyên nào để Nguyễn Thị Bích Yến từ một cô gái tốt nghiệp ngành kinh tế, kế toán nhưng lại gắn bó với nghề báo như hiện nay?

- Đúng là tôi tốt nghiệp kinh tế, kế toán nhưng lại có cơ duyên làm báo. Khi còn bé, tôi mơ ước trở thành luật sư, cảnh sát để bảo vệ người dân nghèo nhưng sau này tôi mới thấy chính những bài báo mình viết ra đã nói lên tiếng nói của họ và đã bảo vệ được họ, nên tôi quyết định gắn bó với nghề báo. Năm 2005, tôi được điều chuyển sang báo Văn nghệ. Mặc dù, lúc đầu được Ban lãnh đạo phân công làm công việc kế toán, nhưng tôi vẫn viết văn, viết báo theo ý thích.

Năm 2008, tôi đã nhận được học bổng hỗ trợ quốc tế DFI (thuộc Quỹ Ford) cho chương trình thạc sĩ. Vì vậy, tôi đã chọn ôn thi cao học chuyên ngành báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thời gian này tôi đã phải học, ôn, thi chuyển đổi và thi cao học rất vất vả. Mỗi ngày tôi chỉ được ngủ 4 tiếng đồng hồ và tôi đã dành quyết tâm cao nhất cho việc này.

Cũng trong năm đó, tôi đã xuất bản tập truyện ngắn “Một nửa là người” và đoạt giải thưởng “Tác giả trẻ” của Ủy ban Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và được bình chọn “5 Gương mặt được công chúng ghi nhận năm 2008” của báo Lao động Thủ đô…

Bích Yến tác nghiệp với ông Michael Mann (người phát ngôn của Cao ủy Liên hiệp châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton) về vấn đề Biển Đông.


Năm 2009, tôi đã có cơ duyên được Hội hữu nghị Áo-Việt, Liên đoàn Lao động Cộng hòa Áo mời tham dự chương trình giao lưu văn hóa tại Cộng hòa Áo. Trong chuyến công tác đó tôi được thăm tờ báo Wiener Zeitung (thành lập năm 1703, tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động và hiện đã trở thành tập đoàn).

Với học bổng hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn đặt vấn đề với ban lãnh đạo tập đoàn báo Wiener Zeitung, để thực tập tại tòa soạn này. Họ rất vui trước nguyện vọng của tôi nhưng cũng tỏ ra băn khoăn vì chưa bao giờ họ nhận người châu Á hay nhận người nước khác vào đó để thực tập, nghiên cứu. Tôi đã đề xuất ý tưởng xuất bản chuyên san chung đầu tiên với họ, nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Để thực hiện ý tưởng này, tôi đã dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về hai nền văn hóa Áo - Việt. Và với sự hỗ trợ của các nhà báo, chuyên gia hai nước, những hình ảnh về thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã lần đầu tiên xuất hiện trên Chuyên san ngoại giao “Dossier 1000 Jahre Ha noi - Chào Hà Nội 1000 năm” - tờ báo hoàng gia của Cộng hòa Áo, Wiener Zeitung.

Chuyên san này đã bán được hơn 50.000 bản bằng tiếng Đức tại thị trường Châu Âu; hàng nghìn bản tại thị trường Bắc Mỹ cũng như hơn 10.000 bản bằng tiếng Anh tại Việt Nam. Đây được coi là ấn phẩm xuất bản chung đầu tiên, đánh dấu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa Cộng hòa Áo và Việt Nam.

Sau đó, tôi đã nhận được sự động viên, khích lệ rất lớn của các thầy cô và các chuyên gia hai bên, tiếp tục làm luận văn thạc sĩ, và luận án tiến sĩ tại tập đoàn Wiener Zeitung và một số tập đoàn báo chí truyền thông lớn của Áo, EU. Đặc biệt, công trình nghiên cứu qui mô đầu tiên, cuốn sách “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung, Cộng hòa Áo” (2012), đã được Cơ quan Help.gv của Chính phủ Áo đánh giá cao và được lưu giữ làm tư liệu tại Thư viện Quốc gia Áo.

Đề tài nghiên cứu này đã được các nhà khoa học, nhà ngoại giao Áo và Việt Nam đánh giá cao. Đại sứ Áo tại Việt Nam khi đó là ông Georg Heindl nhận xét rằng: “Công trình nghiên cứu của chị Yến đã đóng vai trò nền tảng - là nhịp cầu mở đầu, kết nối cho việc hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực báo chí, truyền thông giữa Việt Nam và Áo”.

- Qua câu chuyện của chị, thấy rằng việc khó đến mấy chị cũng không bỏ cuộc. Từ đâu chị có được những quyết tâm như vậy?

- Tôi luôn tự nhủ với lòng mình rằng “hãy sống một cách hiền lương và có ý nghĩa”! Hơn nữa, tôi cũng là người tập võ từ nhỏ (nghiệp dư) nên phần nào cũng có được nghị lực của “con nhà võ”. Quá trình làm việc của tôi rất vất vả, nhưng tôi chỉ thấy mệt chứ chưa bao giờ thấy chán nản.

Ngay việc xuất bản cuốn sách “Những mảnh ghép Quân vương” của tôi cũng vậy, để hoàn thiện nó tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện nó, tôi đã tập hợp và chọn lọc bài vở của cả 10 năm, riêng việc chỉnh sửa, bổ sung bản thảo cũng đã mất 6 tháng và kết quả đạt được sau sự cố gắng đó đã làm tôi hài lòng.

TS Nguyễn Thị Bích Yến trình bày dự án "'Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu" trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Áo.


Làm gì cũng hướng về quê hương

- Chị là một trong số những người sáng lập Dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, ý tưởng này xuất phát từ đâu vậy?

- Tháng 9-2015, tôi đã cùng 5 bạn trẻ kiều bào tổ chức thành công “Ngày Việt Nam” đầu tiên tại Áo, với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Vienna, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp kiều bào Việt Nam tại Áo, EU. Sự kiện này đã thu hút hơn 3000 lượt công chúng nước sở tại, quốc tế và kiều bào tham dự, thu hút được sự chú ý của giới văn nghệ sĩ nổi tiếng, giới truyền thông, giới chính khách nước sở tại…

Tuy nhiên, đó là thời điểm nóng đang diễn ra cuộc khủng hoảng di cư tại Áo, châu Âu. Đặc biệt, ngày thứ 2 khi chúng tôi đang tổ chức sự kiện này (4-9-2015) thì hơn 200 người di cư đã bất chấp luật lệ của châu Âu, đi bộ tràn từ Hungary sang Áo trong đêm. Việc này đã gây sửng sốt cho nhân dân Áo. Tôi đã giật mình nghĩ về vị trí của người Việt nói riêng và người nước ngoài nói chung tại Áo, châu Âu sau này sẽ như thế nào?

Đó là nguyên nhân sâu xa đã khiến tôi đưa ra ý tưởng “Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam và ngày Giỗ tổ Hùng vương trên toàn cầu”. Cộng với lý do hiện hữu là ở Áo, từ trước đến nay, cộng đồng người Việt tại đây đã có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng chưa được gọi tên là “Ngày Việt Nam”, các hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc chưa gắn kết với văn hóa, báo chí truyền thông của nước bản xứ…

- Nhưng từ ý tưởng, đến việc triển khai được dự án mang ý nghĩa lớn như vậy chắc cũng không dễ dàng, chị và các bạn đã phải nỗ lực thế nào?

- Cuối năm 2015, khi được là một trong 15 kiều bào Việt tiêu biểu trên thế giới về dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 9, trong đó tôi là một trong hai người Việt ở nước ngoài đã được cử viết tham luận tại Đại hội. Tôi đã đề cập về ý tưởng này (do thời lượng nên chúng tôi đã không có thời gian được trình bày tham luận này tại Đại hội).

Tuy nhiên, tôi đã có cơ hội trình bày ý tưởng này trước 15 kiều bào tiêu biểu dịp đó, trước Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cấp lãnh đạo… trong các hoạt động dành cho Đoàn kiều bào tiêu biểu dịp đó. Và tôi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của hầu hết tất cả mọi người, trong đó, đặc biệt là sự ủng hộ của Đại sứ Phú Bình (Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài).

Nhưng đúng như chị hỏi, thì từ lý thuyết đến thực tiễn quả là một khoảng cách khá xa và vô cùng vất vả. Chúng tôi đã “kẽo kẹt” cùng một số cơ quan báo chí, nhất là VTC10 NetViet đã thực hiện một số chương trình Talkshow chuyên sâu về vấn đề này. Bản thân tôi đã viết lại tham luận này và trình bày ở một số hội thảo khoa học cấp quốc gia, trình bày trước nhiều nhà báo, nhiều lãnh đạo tổ chức cộng đồng kiều bào, nhiều chính trị gia Việt Nam và quốc tế… Đến năm 2018, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người và đã tổ chức thành công “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” lần thứ I tại Cộng hòa Czech (nước trọng điểm), Liên Bang Nga, Hungary và Đức.

- Chị có thể cho biết rõ hơn về kế hoạch triển khai việc tổ chức ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' những năm tiếp theo như thế nào?

- Sau khi được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo Việt Nam, và nhiều tổ chức hội đoàn Cộng đồng kiều bào ở các nước, chúng tôi đã vững tin để triển khai dự án của mình. Đặc biệt, tháng 10 năm 2018, tôi đã mạnh dạn gửi bản dự án này đến tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm cấp cao của ông đến Áo và EU. Thủ tướng đã đánh giá cao ý nghĩa của dự án này, đồng thời đã chỉ thị Bộ Ngoại giao, Ủy Ban người Việt ở nước ngoài, cùng các cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ, triển khai.

Đặc biệt, Thủ tướng đã khuyến khích chúng tôi nâng cấp dự án này thành đề tài khoa học cấp nhà nước (vì theo Thủ tướng và một số nhà khoa học thì bản thân dự án này đã có giá trị khoa học cao). Chúng tôi mong muốn sẽ triển khai dự án này theo một chương trình kịch bản chung, tổ chức lần lượt ở năm châu: Châu Âu (2018), châu Á (2019)… sau 5 năm thì sẽ tổ chức tổng kết Kế hoạch 5 năm lần I. Trong đó, lực lượng nòng cốt là Hội đồng hương Phú Thọ (hoặc một số hội đoàn kiều bào khác) ở tất cả các nước sẽ đứng ra chủ trì và kết nối.

Năm nay, ban dự án dự kiến sẽ phối hợp tổ chức ở các nước châu Á là: Thái Lan, Campuchia, Lào (nước trọng điểm), và có thể ở Hàn Quốc. Đây là một dự án phi lợi nhuận nên kinh phí cho các hoạt động như việc đúc mẫu tượng, may mẫu quần áo tế lễ, xây dựng kịch bản chung… là dựa vào nguồn huy động từ bà con, doanh nghiệp, các tổ chức Hội đoàn kiều bào trong và ngoài nước.

Đặc biệt, dự án này, chúng tôi cần sự giúp đỡ đắc lực từ các đồng nghiệp nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông của Việt Nam, nước sở tại và quốc tế. Sao cho thông qua sự kiện này nền văn hóa Việt Nam có thể đối thoại được với nền văn hóa của các nước trên thế giới. Tư thế của kiều bào Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng có điều kiện nâng cao và đối thoại được với người bản xứ. Họ sẽ ngày càng hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn trong sự tôn trọng và tôn vinh lẫn nhau.

Khoảnh khắc thư giãn hiếm hoi của Nguyễn Thị Bích Yến.


Vẫn là một phụ nữ bình thường

- Mặc dù công việc luôn được tiếp xúc với những “Quân vương”, những chính trị gia, nhưng hơn hết khi trở về gia đình chị vẫn là một người phụ nữ bình thường. Chị có thể kể về những sinh hoạt đời thường của chị ở Áo?

- Tôi đã sinh sống ở Áo từ năm 2011, từ đó đến nay, bên cạnh việc viết báo, tôi chủ yếu làm công việc nghiên cứu khoa học (chương trình thạc sĩ, tiến sĩ) nên thông thường một ngày làm việc của tôi là: 4h sáng (cũng có hôm sớm hơn, có hôm muộn hơn), ngồi vào bàn viết và nghiên cứu khoa học. 7h30 tiễn con đi học, chồng đi làm, sau đó, tôi đi làm, tại các cuộc họp báo, thường là Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống Áo hay Văn phòng Liên hợp quốc tại Vienna… hoặc ngồi vào bàn làm việc tiếp đến chiều tối. Cách nhật tôi tập võ và nấu ăn, rồi đợi chồng con trở về, cùng nhau trao đổi nhanh công việc và tình hình học tập trong ngày, kiểm tra bài vở của con, cùng con lắp lego, đọc sách, vệ sinh cá nhân, rồi đi ngủ. Phải nói thêm rằng, nhược điểm của tôi là nội trợ kém.

Nhiều lúc làm việc căng thẳng, tôi thường “gột rửa” mình bằng cách, nghe nhạc Phật, nhạc thiền, nhạc của Beethoven… thậm chí đến vài ngày liền, sau đó để cảm xúc ngưng đọng và viết văn.

- Chị đã đón nhiều cái Tết xa quê, chị có cảm xúc như thế nào so với cái Tết ở Việt Nam?

- Tết xa quê đối với tôi là một “cực hình” nhưng cũng là một khoảng thời gian tĩnh lặng quí giá để tôi hướng về quê mẹ, về bố mẹ, gia đình và những người thân yêu, về thầy cô, bạn bè đồng nghiệp. Tôi không thể tưởng tượng được rằng đã có lúc tôi nhớ họ nhiều đến như thế!

-Chị thường chuẩn bị những gì để ăn Tết cổ truyền Việt Nam? Chồng và con chị có thích những món ăn Việt Nam như thế nào? Chị đã dạy con trai những gì về văn hoá Việt Nam?

- Tôi thường mua sắm một mâm cúng Tết, như bánh chưng, giò, nem, miến, măng… và thường dành thời gian đó, bữa cơm đó cho chồng con và mẹ chồng. Thỉnh thoảng, cả nhà sẽ vừa ăn vừa nghe tôi giải thích về tập tục Tết cổ truyền Việt Nam. Tất nhiên là có những món ăn chồng con tôi rất thích như món nem, phở, miến và có những món ăn thì chỉ ăn vì muốn làm tôi vui lòng.

Tôi thường nói với con trai mình rằng: “Con là người giàu có nhất lớp, vì con có hẳn hai quê hương, hẳn hai nền văn hóa và hẳn hai đất nước đang chờ đón và yêu thương con…”. Lúc đầu cháu không để ý lắm đến những lời nói ấy nhưng nay thì cháu đã hiểu và cảm thấy rất vui, đôi khi là rất tự hào về điều đó.

-Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tư thế" của người Việt ở nước ngoài sẽ ngày càng được nâng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.