Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Ngọc Quỳnh| 19/06/2021 07:22

(HNM) - Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn phát sinh nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi. Để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tái phát cũng như kiểm soát các loại bệnh mới, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo ông Trần Văn Khang ở xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), trang trại của gia đình có 720 con lợn. Vừa qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại, 16 con lợn bị ốm. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 16 con lợn ốm với trọng lượng 1.371kg. Số lợn còn lại trong đàn hiện khỏe mạnh và phát triển bình thường. Mặc dù trang trại đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi nhập đàn mới về nuôi nhưng do chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nên bệnh vẫn xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi của 2 xã Đông Sơn và Quảng Bị, làm chết 20 con lợn thương phẩm, tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.541kg. Lực lượng chức năng cũng phải tiêu hủy số lợn trên.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhìn chung, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi. Đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 11 hộ của 7 xã, 4 huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng và Sơn Tây, số trâu, bò mắc bệnh là 21 con, số tiêu hủy là 5 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 1.277kg. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Chương Mỹ... Đối với bệnh cúm gia cầm, hiện nay lực lượng chức năng của thành phố vẫn kiểm soát được.

Nhận định về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 1,5 triệu con lợn, 38,5 triệu con gia cầm và 146.000 con trâu, bò. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn chiếm hơn 60%, gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, một số loại bệnh như bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Một số hộ dân còn chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, chưa tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đầy đủ, chưa thường xuyên tổng vệ sinh môi trường ở khu vực chuồng trại đúng cách...

Để nâng hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu yêu cầu các xã có dịch (Đông Sơn, Quảng Bị) chủ động rà soát, thống kê đàn lợn trên địa bàn xã, nắm bắt tình hình dịch bệnh, phát hiện kịp thời lợn mới mắc, tiến hành khống chế, bao vây dập dịch kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, lập chốt kiểm soát ổ dịch Đông Sơn, Quảng Bị để kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra - vào khu vực có dịch, phun hóa chất khử trùng tiêu độc các phương tiện ra - vào khu vực có dịch. Đối với các xã, thị trấn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách nhận biết bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp phòng bệnh...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi; cúm gia cầm; viêm da nổi cục trên trâu, bò... kịp thời khống chế, xử lý không để lây lan diện rộng; các địa phương tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm, nuôi mới; các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.