Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm vị thế nông sản Việt

Ngọc Quỳnh| 20/06/2022 08:02

(HNM) - Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cũng như tiếp tục nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ngành Nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn nhiều việc phải làm.

Dây chuyền sản xuất vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cơ hội đan xen thách thức

Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2021. Với nhiều dư địa để phát triển, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hơn nữa, trong bối cảnh tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, hàng hóa của Việt Nam nói chung, nông sản nói riêng có thêm nhiều cơ hội.

Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Phùng Thị Thu Hương cho biết, nhãn chín muộn của Hà Nội hiện đã xuất khẩu sang Australia, Mỹ, châu Âu... với sản lượng dù còn khiêm tốn, nhưng đã góp phần khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam tại các thị trường “khó tính”, có giá trị cao; mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang gặp không ít thách thức. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (tỉnh Thái Bình) Trần Mạnh Báo, gạo xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với một loạt hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (tiêu chuẩn chế biến, bảo quản, chất lượng sản phẩm…).

Mặt khác, theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy, hơn 80% lượng nông sản xuất khẩu của nước ta phải thông qua trung gian là các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên nhiều loại nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh không cao. Cùng với đó là rào cản chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật tại "sân chơi" hội nhập... Thêm nữa, khi phát sinh tranh chấp thương mại, năng lực giải quyết của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng còn nhiều hạn chế...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sau thu hoạch, logistics còn hạn chế. Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư nông nghiệp nhập khẩu đã khiến giá bán nông sản Việt Nam cao hơn so với các mặt hàng cùng loại của nhiều nước.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu

Trong bối cảnh trên, việc tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là “lối mở” cho nông sản Việt Nam trong những năm tới. Để nâng cao vị thế nông sản nước nhà trên thị trường quốc tế, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn; nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sản phẩm…

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu, Vina T&T đã xây dựng nhiều vùng trồng bảo đảm các hàng rào kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Mỗi thị trường có những hàng rào kỹ thuật khác nhau, nhưng nhìn chung đều khuyến khích canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch.

Để nông sản đặc trưng của Thủ đô khẳng định vị thế tại các thị trường có giá trị cao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ tạo bước đột phá, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu… Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động. Trước mắt, thành phố tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, thời gian tới, đơn vị sẽ hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thực hiện các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đồng thời đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi...

Cùng với việc rà soát, loại bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức hệ thống, kênh phân phối nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ; hình thành chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; đẩy mạnh chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể, nhãn mác an toàn thực phẩm...

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp và nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, có thể tin tưởng trong thời gian không xa, thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ đứng vững, tạo lập vị thế mới tại các thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm vị thế nông sản Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.