Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ mô hình mạ khay, cấy máy

Ánh Dương| 16/01/2019 06:46

(HNM) - Giảm chi phí, nhân công lao động và thời gian gieo cấy, đồng thời nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân, đó là những thành quả từ việc áp dụng mô hình mạ khay, cấy bằng máy trên địa bàn TP Hà Nội.

Các đại biểu và chuyên gia đánh giá chất lượng mạ khay tại Trung tâm Mạ khay Kubota huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc


Nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) đã triển khai đề án cơ giới hóa nông nghiệp từ năm 2012. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố và huyện Phú Xuyên, xã Đại Thắng mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua 7 máy làm đất, 10 máy cấy và 18.000 khay nhựa để làm mạ, 1 giàn gieo hạt giống lúa tự động với công suất 800 khay/giờ. Năm 2016 và 2017, xã Đại Thắng tiếp tục được thành phố, huyện Phú Xuyên hỗ trợ 1,7 tỷ đồng đầu tư dây chuyền và xưởng sản xuất giá thể. Trên cơ sở đó, tổ máy dịch vụ làm đất của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng (xã Đại Thắng) đảm nhiệm làm đất 100% diện tích canh tác, tổ máy gặt thực hiện thu hoạch lúa theo quy chế, tổ dịch vụ sản xuất giá thể, làm mạ khay, cấy máy đảm nhiệm tổ chức cấy hơn 180 mẫu đất trồng lúa toàn xã.

Chia sẻ về hiệu quả thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thắng Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Khâu gieo mạ khay, cấy máy giúp giảm chi phí tới 3,21 triệu đồng/ha so với cấy lúa bằng tay. Đồng thời, việc hợp tác xã làm chủ kỹ thuật từ khâu sản xuất giá thể, gieo mạ và cấy máy đã được nông dân tin tưởng, ủng hộ. Từ năm 2017 đến nay, hợp tác xã được huyện Phú Xuyên giao sản xuất 1.000 giá thể gieo mạ khay cho các hợp tác xã trong toàn huyện, đáp ứng 1.000ha trồng lúa.

Tại huyện Quốc Oai, diện tích đất trồng lúa hằng năm khoảng 10.000ha, đã cơ bản dồn điền đổi thửa, quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa bền vững, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện, gần 100% diện tích canh tác trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa khâu làm đất, 90% diện tích lúa gặt bằng máy và có 14/20 xã, thị trấn sử dụng mạ khay, cấy máy… Năm 2018, toàn huyện Quốc Oai có 200ha trồng lúa thực hiện khâu gieo trồng bằng mạ khay, cấy máy. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho biết: Nông dân có thể mua khay mạ đã gieo đạt tiêu chuẩn ở các trung tâm về chăm sóc tại nhà. Đến vụ, nông dân chỉ việc thuê máy cấy, như vậy sẽ tiết kiệm chi phí cho khâu sản xuất mạ là hơn 30%.

Tương tự, Đông Anh là một trong những huyện triển khai mạ khay, cấy máy sớm với diện tích lớn. Vụ xuân và vụ mùa năm 2018, toàn huyện có 702ha lúa cấy máy, tập trung ở các xã Việt Hùng, Liên Hà, Thụy Lâm... Vụ xuân năm 2019, Đông Anh sẽ có gần 400ha lúa được cấy bằng máy. Còn ở Thạch Thất, vụ xuân năm 2019, toàn huyện cũng có khoảng 400ha lúa được cấy bằng máy, nhiều hơn 100ha so với vụ xuân năm 2018.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) Vũ Thị Hương, đến nay Hà Nội có hơn 20 trung tâm, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất mạ khay phục vụ cho cấy máy. Toàn thành phố có khoảng 5% diện tích sử dụng mạ khay, cấy máy, tập trung ở các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên… Để mở rộng diện tích sử dụng mạ khay, cấy máy, tạo sự liên kết và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, rất cần các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, bởi việc hình thành trung tâm sản xuất mạ khay phải có mặt bằng rộng để xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng và cần có vốn lớn để đầu tư máy móc, thiết bị...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ mô hình mạ khay, cấy máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.