Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm xóa bỏ bất cập

Kim Nhuệ| 21/01/2019 06:36

(HNM) - Sau hơn 2 năm thực hiện quy định phân cấp về quản lý công trình thủy lợi, Hà Nội đã đạt kết quả ban đầu. Tuy nhiên, sau khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành, đã nảy sinh một số bất cập cần được làm rõ để có phương án tổ chức quản lý công trình thủy lợi nội đồng phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Nhiều vấn đề chưa phù hợp

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 của UBND TP Hà Nội về quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội (Quyết định 41), đến nay, các quận, huyện, thị xã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao công trình thủy lợi cho 5 công ty thủy lợi của thành phố quản lý, vận hành.

Nạo vét kênh La Khê chuẩn bị lấy nước phục vụ vụ xuân 2019.


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, quyết định phân cấp của thành phố đã khắc phục tình trạng bơm nhiều cấp, chồng lấn diện tích tưới, tiêu; phát huy tối đa năng lực tưới, tiêu của công trình thủy lợi đầu mối; giảm chi phí tiền điện bơm nước; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước…

Đồng quan điểm, đại diện các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức cũng khẳng định, việc phân cấp đã tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác thẩm định, thẩm tra diện tích tưới, tiêu do không bị chồng chéo giữa phần diện tích của công ty phục vụ với diện tích của các hợp tác xã tự phục vụ. Bên cạnh đó, việc phân cấp còn tạo thuận tiện cho việc quy hoạch, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đầu tư và quản lý sau đầu tư từ nguồn vốn của thành phố…

Tuy nhiên, bất cập nảy sinh là sau khi bàn giao, các công ty thủy lợi chưa thường xuyên sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng; chưa bố trí đủ nhân lực dẫn nước để kịp thời phục vụ sản xuất. Các doanh nghiệp cũng chưa hoàn trả kinh phí xây dựng công trình thủy lợi nội đồng cho nhân dân…

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Doãn Văn Kính, sau khi tiếp nhận, số lượng công trình tăng gấp nhiều lần so với trước đây nên công ty thiếu nhân lực quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, phần lớn các công trình thủy lợi nội đồng công ty mới tiếp nhận đều được đầu tư xây dựng và sử dụng đã lâu, chưa được cải tạo, nâng cấp. Nhiều trạm bơm xuống cấp, nằm xa khu dân cư, không có nhà quản lý… gây khó khăn cho công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn trong vận hành. Các hợp tác xã thiếu hồ sơ đầu tư xây dựng, quản lý công trình nên khó xác định thông số kỹ thuật, giá trị tài sản để hoàn trả phần kinh phí nhân dân đã đầu tư...

Theo quy định của Luật Thủy lợi, kinh phí hoạt động thủy lợi nội đồng do tổ chức thủy lợi cơ sở thu trên cơ sở thỏa thuận của các thành viên. Nguồn kinh phí này được sử dụng để quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng. Các công ty thủy lợi không được sử dụng nguồn kinh phí từ đặt hàng dịch vụ thủy lợi để chi cho việc quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng. Theo Quyết định 41, thành phố giao các công ty thủy lợi quản lý toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi nên các công ty và tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đủ điều kiện triển khai thu kinh phí hoạt động thủy lợi nội đồng. Do đó, đến nay việc quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng chưa có kinh phí thực hiện.

Đề xuất hai phương án xử lý

Do Quyết định 41 của thành phố ban hành trước nên đối chiếu với Luật Thủy lợi (ban hành năm 2017), hiện nay, một số quy định không phù hợp, cần được điều chỉnh. Theo đó, các quận, huyện, thị xã và công ty thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố bàn giao hệ thống kênh mương cấp 3 và các trạm bơm về địa phương quản lý nhằm phù hợp với Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao, Sở NN&PTNT đã tập trung rà soát các quy định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi nội đồng. Sở cũng đã lấy ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và 5 công ty thủy lợi.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT tổng hợp, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo tổ chức quản lý công trình thủy lợi theo hướng: Đối với các công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên và các công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, thành phố thống nhất đầu tư và quản lý sau đầu tư, giao các công ty thủy lợi của thành phố vận hành, khai thác. Đối với công trình thủy lợi nội đồng, thành phố cho phép các công ty thủy lợi ký hợp đồng với các tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác) thực hiện quản lý, khai thác. Các tổ chức thủy lợi cơ sở có trách nhiệm xây dựng chi phí quản lý, vận hành thông qua hội nghị thành viên; tổ chức thu và sử dụng kinh phí dịch vụ thủy lợi nội đồng…

“Trong khi chờ thành phố xem xét, quyết định ban hành quy định mới, các quận, huyện, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với 5 công ty thủy lợi tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi trong quản lý, bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi nội đồng… Trước mắt, cần tập trung tu sửa, lắp đặt trạm bơm dã chiến, nạo vét kênh mương, dẫn nước lên đồng ruộng, bảo đảm đủ nước phục vụ làm đất, gieo cấy, tưới dưỡng lúa xuân" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm xóa bỏ bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.