Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng lực cho vụ xuân thắng lợi

Sơn Tùng - Kim Văn| 28/01/2019 07:00

(HNM) - Vụ xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, đây cũng là vụ sản xuất tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro liên quan đến thời tiết, nguồn nước tưới.

Nông dân huyện Thanh Oai làm đất vụ xuân. Ảnh: Bá Hoạt


Nhận diện những thách thức

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ xuân năm nay, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc sẽ gieo cấy 602.500ha lúa; trong đó, TP Hà Nội có diện tích lớn nhất, với 97.870ha, tiếp đến là tỉnh Nam Định 79.077ha, Thái Bình 78.378ha, Hải Dương 57.800ha… Đây là vụ thường cho năng suất, giá trị sản phẩm cao nhất trong năm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thuận ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa cũng như kết quả thu hoạch. Bởi vụ xuân thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, nguồn nước trên các sông suối phục vụ gieo cấy suy giảm... Nếu các hồ chứa không tăng cường lượng nước xả điều tiết từ các hồ thủy điện thì nhiều khả năng hơn 480.000ha lúa của 12 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ thiếu nước sản xuất; trong đó, TP Hà Nội có khoảng 24.000ha.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến ngày 10-2, các tỉnh, thành phố miền Bắc có khả năng xảy ra từ 3 đến 5 đợt không khí lạnh; rét đậm, rét hại có thể xảy ra vào những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2-2019. Nhiệt độ trung bình trong tháng 2, tháng 3-2019 tại Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1 đến 2 độ C so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ, từ tháng 2 đến tháng 6-2019, phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ngoài ra, trong tháng 2 và tháng 3-2019 tại khu vực phía Đông Bắc Bộ xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về thủy văn, từ nửa cuối tháng 1, tháng 2 đến tháng 4-2019, nguồn nước so với trung bình nhiều năm ở khu vực Đông Bắc thiếu hụt 10-30%; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm trong tháng 1, tháng 2-2019 và thiếu hụt 30-40% trong tháng 3, tháng 4-2019. Mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại trạm đo Long Biên (TP Hà Nội) có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3-2019. Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc trong các tháng đầu mùa khô năm 2019...

Tích cực triển khai nhiều giải pháp

Trên cơ sở nhận định thời tiết, Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hạn chế tối đa cấy trà xuân sớm (trước Tết Nguyên đán); tập trung gieo mạ, cấy trong tháng 2-2019 bảo đảm thời gian lúa trỗ từ ngày 10 đến 20-5.

Về giống cây trồng, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương lựa chọn từ 3 đến 4 giống chủ lực, từ 3 đến 4 giống bổ sung, tỷ lệ mỗi giống không quá 30% diện tích để tránh rủi ro; dự phòng hạt giống khoảng 10%...

Nông dân huyện Mỹ Đức gieo mạ trà xuân muộn.


Trên cơ sở khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích lúa lai, ưu tiên giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế. Đáng chú ý, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, yêu cầu che phủ ni lông 100% diện tích mạ xuân để phòng tránh rét và ngăn chặn xâm nhập của rầy gây bệnh, sử dụng mạ non khi cấy.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng khuyến khích nông dân các quận, huyện, thị xã mở rộng phương thức làm mạ khay, cấy máy, dịch vụ trọn gói và cánh đồng lớn một giống, một trà, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, hiệu quả, liên kết bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, vật tư nông nghiệp đã cung ứng đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân bảo đảm đúng chất lượng, chủng loại, kịp thời vụ, giá cả hợp lý.

Đặc biệt, đối với giống cây trồng, TP Hà Nội đã yêu cầu doanh nghiệp chỉ cung ứng loại giống nằm trong cơ cấu giống của thành phố. Các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân, hợp tác xã sử dụng các loại phân bón, giống lúa có nguồn gốc xuất xứ và của các đơn vị cung ứng uy tín; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời đơn vị cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp kém chất lượng...

Về nguồn nước gieo cấy vụ xuân 2019, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam gia tăng lượng xả phát điện bổ sung lưu vực sông Hồng trong 16 ngày, chia thành 3 đợt, tổng khối lượng xả khoảng 5,44 tỷ mét khối. Trong 3 ngày lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân 2019 (từ 0h ngày 21-1 đến 24h ngày 24-1), 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã lấy đủ nước làm đất, gieo cấy cho 252.966ha, đạt 45,8% kế hoạch sản xuất vụ xuân. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ diện tích lấy nước đạt cao là: Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình…

Tại Hà Nội, trong 3 ngày lấy nước đợt 1, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã lắp đặt, vận hành 139 trạm bơm dã chiến, cấp I, cấp II tiếp nguồn nước sông Hồng phục vụ gieo cấy vụ xuân. Tính đến 17h ngày 23-1, TP Hà Nội đã có 28.599ha đủ nước sản xuất, đạt 29,2% kế hoạch gieo cấy. Các địa phương có tỷ lệ diện tích đủ nước đạt cao là: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai…

Đến nay, công tác gieo cấy vụ xuân đã, đang được các địa phương tích cực chuẩn bị với sự chủ động, bám sát thực tế sản xuất, đặc biệt là chuẩn bị về giống, phân bón. Đây là cơ sở quan trọng để nông dân khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục có một mùa vụ bội thu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng lực cho vụ xuân thắng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.