Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc sản

Bài, ảnh: Đỗ Minh| 30/01/2019 06:48

(HNM) - Mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là trái cây đặc sản, đang là thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân, TP Hà Nội đang tập trung mở rộng diện tích những mô hình này.


Tiềm năng lớn

Người dân xã Chu Minh (huyện Ba Vì) bắt đầu bước vào vụ trồng chuối tiêu hồng theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp ở Thái Lan. Chị Bùi Thị Hương, xã Chu Minh, chia sẻ: “Thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu sang Thái Lan, gia đình có gần 0,8ha trồng. Toàn bộ diện tích trồng chuối được doanh nghiệp Thái Lan cung ứng cây giống, tập huấn kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm nên tôi rất yên tâm, bởi sản phẩm làm ra không còn phải lo khâu tiêu thụ...”.

Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) cho hiệu quả kinh tế cao.


Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho hay, năm qua, trong chuyến tham quan, khảo sát phân tích mẫu đất, mẫu nước, một doanh nghiệp ở nước Thái Lan đã khẳng định điều kiện thổ nhưỡng của xã Chu Minh đáp ứng các yêu cầu trồng chuối tiêu hồng để xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp này đã thống nhất đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng khép kín với quy mô 10ha ở huyện Ba Vì. Toàn bộ sản lượng chuối sau thu hoạch sẽ được doanh nghiệp thu mua và bán tại thị trường Thái Lan. Ngoài xã Chu Minh, hiện nay, huyện Ba Vì có khoảng 570ha trồng chuối. Từ thành công của mô hình này, huyện sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trồng và xuất khẩu chuối tiêu hồng, để nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, không riêng chuối tiêu hồng, quả nhãn chín muộn của Hà Nội cũng thu được những thành công khi năm 2018 đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Ba Lan, Malaysia… Đến nay, toàn thành phố có khoảng 16.700ha trồng cây ăn quả, tập trung chủ yếu là 4 loại cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao gồm: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn và chuối tiêu hồng. Đây cũng là nhóm cây ăn quả được TP Hà Nội quy hoạch để phát triển và nhân rộng. Trong đó, có 924,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Nếu chất lượng sản phẩm bảo đảm, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, cùng với đó là sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, nhiều trái cây đặc sản của Hà Nội sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng...

Tập trung phát huy lợi thế

Theo quy hoạch, đến năm 2020, quy mô trồng cây ăn quả của Hà Nội sẽ tăng 26,2% về diện tích và 45% về sản lượng. Diện tích trồng cây ăn quả tăng thêm được chuyển đổi từ diện tích đất trồng cây sắn khoảng 1.000ha và đất trồng cây lạc khoảng 1.800ha tại các huyện vùng đồi gò trên địa bàn thành phố. Còn trong cơ cấu phát triển, diện tích vùng trồng cây có múi dự kiến chiếm từ 26 đến 28% và là nhóm sản phẩm cây ăn quả chủ lực của Hà Nội trong giai đoạn 2020-2030. Trong giai đoạn này, thành phố đặt mục tiêu có khoảng 1.384ha trồng cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao từ 15 đến 20% diện tích cây ăn quả toàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả với nhóm cây chủ lực gồm: Chuối tiêu hồng, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn. Đối với cây cam Canh, chuối tiêu hồng sẽ tập trung trồng tại vùng bãi thuộc các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ…; cây bưởi Diễn, nhãn chín muộn tập trung trồng tại các vùng đồi gò thuộc các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai… Cùng với đó, để nâng cao chất lượng ngành hàng trái cây, tạo ra sản phẩm chất lượng và sản phẩm chế biến từ các loại trái cây đặc sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Đầu tư hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước kết hợp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trong nhà lưới, nhà màng; tạo thương hiệu cho sản phẩm trái cây đặc sản, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ nông dân để chứng nhận thêm các sản phẩm an toàn để xuất khẩu. Về lâu dài, thành phố tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sơ chế tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng thông qua các sản phẩm chế biến.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, việc mở rộng các vùng trồng cây ăn quả đặc sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và những năm tiếp theo của Hà Nội nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng cho trái cây. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đổi mới phương thức tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với sản phẩm của từng loại cây ăn quả. Ngoài ra, huy động các nguồn lực xã hội và các thành phần kinh tế, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ, góp phần phát triển mạnh vùng trồng cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao của thành phố và hướng tới hình thành mỗi địa phương một sản phẩm gắn với thương hiệu vùng miền, khẳng định vị trí trái cây của Hà Nội tương xứng với tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.