Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp

Bạch Thanh| 13/02/2019 07:45

(HNM) - Sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp (giai đoạn 2013-2017), Hà Nội đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp cho thu nhập tiền tỷ và phát triển bền vững.

Sau 5 năm tái cơ cấu, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao.


Nhiều mô hình thu tiền tỷ

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, nền nông nghiệp của huyện Phúc Thọ đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ chia sẻ: "Bên cạnh những cánh đồng mẫu lớn trồng lúa hàng hóa cho thu nhập cao, trên địa bàn huyện còn có mô hình trồng hoa ly cho thu nhập từ 2,8 đến 3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 60 lần so với trồng lúa; trồng rau an toàn đạt từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm… Diện tích trồng cây ăn quả của huyện Phúc Thọ cũng tăng nhanh, từ 352ha lên hơn 850ha, đem lại giá trị thu nhập đạt từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm…".

Không chỉ huyện Phúc Thọ, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã mang lại những đổi thay to lớn cho các hộ dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Gia đình chị Nguyễn Thị Sánh ở thôn An Thái, xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) là một minh chứng. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, gia đình chị Sánh đã chuyển sang mô hình nuôi cá “sông trong ao” ở xứ đồng Mã Bồi của thôn An Thái cho thu nhập cao. “Nuôi cá sông trong ao có tỷ lệ sống cao, cá lớn nhanh, đồng đều hơn so với nuôi bình thường, cho hiệu quả kinh tế đạt từ 220 đến 250 triệu đồng/ha, cao hơn 1,5-2 lần so với nuôi ao thông thường. Nếu một hộ gia đình có quy mô khoảng 5ha, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng” chị Sánh chia sẻ. Hay như mô hình nuôi gà đẻ trứng quy mô 15.000 con của hộ gia đình ông Đoàn Văn Mười, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, những kết quả thu được là rất ấn tượng. Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện hàng nghìn mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập tiền tỷ và đang phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây, đạt 3,6%, tổng giá trị sản xuất đạt 43.708 tỷ đồng. Giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt 2,23% cho cả giai đoạn 5 năm.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - "Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Đáng chú ý, trong lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã xây dựng 101 vùng trồng rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên cho giá trị thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng trồng hoa, cây cảnh quy mô 20ha/vùng cho giá trị thu nhập từ 0,5 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Lĩnh vực chăn nuôi, đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm...".

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng sau 5 năm tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế do việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thấp, có ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít và mới phát triển...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-UBND về “Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2019-2020”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt từ 2,5 đến 3%. Trong lĩnh vực trồng trọt sẽ tập trung xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Với lĩnh vực chăn nuôi sẽ cơ cấu lại theo hướng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, ngoài việc thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nhằm gắn kết sản xuất nông nghiệp với khu vực trung tâm của Hà Nội - thị trường tiêu thụ nông sản lớn và khó tính, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, ứng dụng tốt nhất các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp Hà Nội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.