Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Bảo Hân| 12/03/2019 16:11

(HNMO) - Chiều 12-3, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin về tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các giải pháp phòng ngừa thời gian tới.


Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin tới báo chí, chiều 12-3.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, đứng đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con. Những năm qua, ngành chăn nuôi của thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm.

Trong số dịch bệnh này, bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, tuy nhiên, không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Tính đến 17h ngày 10-3, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 9 hộ, thuộc 5 xã, phường ở các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn. Tổng số lợn đã tiêu huỷ là 172 con.

"Hai ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ổ bệnh nào" - ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Tại 5 quận, huyện đã xuất hiện bệnh, lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể tham gia phòng chống; thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng toàn khu vực, theo dõi, giám sát bệnh và tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các hộ chăn nuôi xung quanh.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu, một trong những bất cập, khó khăn trong phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội hiện nay là tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư, và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Ngoài ra, tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi phá phổ biến, dẫn đến bệnh lây lan nhanh.

"Qua kiểm tra tại một số địa phương, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện đều quyết liệt phòng chống bệnh dịch. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại lớn có ý thức tự giác cao trong việc rắc vôi tiêu độc hằng ngày, hạn chế người ra - vào..." - ông Nguyễn Huy Đăng cho biết.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh; phát động đợt tổng tẩy uế môi trường toàn thành phố (dự kiến từ ngày 15-3 đến 15-4-2019).

Các tổ công tác liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng; ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống bệnh; đề nghị UBND các địa phương đã xuất hiện bệnh đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Về mức hỗ trợ đối với lợn bị bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính đề xuất thành phố mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thương phẩm, và gấp từ 1,5-2 lần đối với lợn nái. Tuy nhiên, để tránh tâm lý một số hộ dân buông bỏ, không nỗ lực phòng bệnh hay trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, Sở sẽ chỉ đạo lực lượng thú ý lấy mẫu, nếu thực sự dương tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì sẽ được hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra khuyến cáo, người dân ăn thịt lợn bình thường, lưu ý chế biến phải chín kỹ, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn ở các dạng chế biến còn sống, như tiết canh, nem chạo...

"Tại các lò mổ và chợ truyền thống, Sở đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và test nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm có biểu hiện dương tính thì đề nghị tiêu hủy và dừng bán. Đặc biệt, tại tất cả lò mổ lớn đều thành lập đội kiểm dịch liên ngành, lợn vào đều phải có giấy kiểm dịch từ cơ quan thú y các địa phương" -  ông Nguyễn Huy Đăng thông tin để người dân yên tâm sử dụng thịt lợn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai ngày qua, Hà Nội không xuất hiện thêm ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.