Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó vụ xuân ấm

Kim Văn| 20/03/2019 06:54

(HNM) - Thời tiết vụ xuân ấm, mưa nhiều dẫn đến gia tăng các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng… đã tạo ra thách thức mới với ngành Nông nghiệp.

Nông dân xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Linh Ngọc


Nguy cơ gia tăng sâu bệnh

Vụ đông xuân được coi là vụ sản xuất chính, quyết định mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố miền Bắc. Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố miền Bắc đã hoàn thành gieo cấy 692.739ha lúa vụ xuân và đang tập trung gieo trồng ngô, lạc, đậu tương, rau các loại… Do nền nhiệt trung bình vụ xuân 2019 cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 đến 2 độ C nên hiện nay cây lúa và rau màu sinh trưởng khá thuận lợi, bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh nhanh. Một số diện tích lúa xuân gieo cấy trước Tết Nguyên đán đã đẻ nhánh rộ… Nếu thời tiết thuận lợi, kiểm soát tốt sâu bệnh… các tỉnh, thành phố miền Bắc hoàn toàn có thể đạt mục tiêu năng suất lúa trung bình đạt 64,3 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt hơn 7,2 triệu tấn…

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến 8-2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-1 độ C; riêng tháng 3-2019 tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1 đến 2 độ C. Tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 8-2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 3 có khả năng ở mức cao hơn từ 15 đến 30%...

Với diễn biến thời tiết nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo tháng 3 là thời điểm thuận lợi cho chuột, ốc bươu vàng, rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn… phát triển gây hại cho cây trồng. Thực tế, tại thành phố Hà Nội, trên diện tích trồng lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn hại lá, sâu cuốn lá, ruồi đục nõn, bọ trĩ… ở mức nhẹ. Trên cây rau màu vụ xuân xuất hiện một số loại côn trùng: Sâu cắn lá, bọ nhảy, sâu xanh, sâu tơ… Tại tỉnh Hà Nam, ốc bươu vàng xuất hiện ở mật độ trung bình 0,5-1 con/m2, có nơi 7-10 con/m2 (mật độ cao hơn vụ xuân năm 2018 từ 0,3 đến 0,5 con/m2). Mật độ sâu cuốn lá cũng xuất hiện rải rác, cục bộ 1-1,5 con/m2, cao gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm trước... Tại tỉnh Thái Bình, bệnh đạo ôn đã và đang xuất hiện và có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới… Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương, nếu các địa phương chủ quan, lơ là trong phòng ngừa thì nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại cây trồng trong thời gian tới là rất cao.

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng

Để chủ động phòng ngừa sâu bệnh gây hại gia tăng, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự báo, kịp thời phòng trừ…

Ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã điều tra, xây dựng kế hoạch, dự báo tình hình dịch hại cây trồng vụ xuân năm 2019. Chi cục đã gửi các quận, huyện, thị xã và cơ quan chuyên môn 9 thông báo về tình hình sâu bệnh 7 ngày, 2 thông báo về tình hình sâu bệnh tháng, 1 dự báo về sinh vật gây hại vụ xuân năm 2019 và các hướng dẫn giải pháp phòng trừ bệnh đạo ôn, lùn sọc đen phương nam, phòng trừ chuột hại lúa… Bên cạnh đó, Chi cục đã chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ mùa màng. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tổ chức 15 lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, 3 lớp về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô…

Cùng với những giải pháp trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã khuyến cáo nông dân lưu ý một số loại sâu bệnh có thể gây hại trên cây trồng trong vụ xuân 2019. Cụ thể, đối với cây lúa, ốc bươu vàng sẽ gây hại mạnh từ giai đoạn mới cấy và đẻ nhánh dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại từ đầu tháng 4 và gây hại mạnh từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6; sâu cuốn lá nhỏ có khả năng phát sinh gây hại vào giai đoạn đứng cái làm đòng, có thể phát sinh thành dịch vào tháng 5; bệnh đạo ôn, khô vằn phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái đến trổ bông... Đối với cây ngô thường có các loại côn trùng gây hại, như: Sâu xám, sâu róm, sâu đục bắp...

Tại các huyện ở Hà Nội cũng đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi phát hiện sâu, bệnh gây hại, nông dân thực hiện các biện pháp: Bắt sâu non, ngắt ổ trứng, ổ sâu... và báo ngay cho trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật để được tư vấn, hướng dẫn phun thuốc phòng trừ kịp thời, tránh bùng phát thành dịch lớn khó kiểm soát, gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Khi phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, nông dân cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó vụ xuân ấm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.