Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn sức phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Kim Văn| 03/04/2019 07:54

(HNM) - Mặc dù các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, nhân dân tích cực thực hiện công tác phòng, chống, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.


Chủ động ngăn chặn

Nhiều ngày nay, trên các tuyến đường dẫn vào thôn Ứng Hòa, xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) đều có các chốt kiểm tra, phun thuốc tiêu độc khử trùng phương tiện giao thông di chuyển qua địa bàn. Ông Đặng Đình Phương, ở thôn Ứng Hòa cho biết, sau khi nghe thông tin về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, gia đình đã chủ động mua vôi bột, thuốc sát trùng khử khuẩn chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi, cấm người lạ đến gần đàn lợn… Nhưng dù đã nỗ lực, gia đình ông vẫn không thể ngăn được bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, làm 40 con lợn thương phẩm bị mắc bệnh, phải tiêu hủy…

Cán bộ thú y xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) phun thuốc phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.


Biết thông tin bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở xã Lam Điền, nhân dân các xã giáp ranh: Đại Yên, Hoàng Diệu, Thụy Hương, Hợp Đồng… của huyện Chương Mỹ đã gấp rút mua thêm vôi bột, thuốc sát trùng, khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ lực lượng chức năng của xã kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn, thịt lợn đi qua địa bàn… Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc thông tin, để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, huyện đã cấp 20.946 lít hóa chất tổ chức 2 đợt tiêu độc khử trùng cho 32 xã, thị trấn; hướng dẫn 215 cán bộ thú y cơ sở, 900 hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn kỹ thuật phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi…

Mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm vào địa bàn, nhưng để bảo vệ 110.117 con lợn, huyện Mỹ Đức sử dụng 2.600kg hóa chất, 15.700 tấn vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao… Bà Nguyễn Thị Lan ở xã An Mỹ cho biết, dù chưa phát hiện có bệnh, nhưng các con đường vào khu chăn nuôi của xã đều được rắc vôi bột nhằm hạn chế vi rút lây lan; các hộ chăn nuôi cũng chủ động áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng... Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều khẳng định, đến thời điểm này trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên huyện vẫn bố trí nhân lực phòng, chống bệnh dịch ở tất cả các xã, thị trấn; đồng thời, thực hiện chế độ giao ban thường xuyên để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời…

Tương tự, các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì… cũng đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bệnh; trong đó, tập trung tuyên truyền về cơ chế xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh; khuyến cáo người dân không chủ quan, giấu dịch, vứt xác lợn bị mắc bệnh dịch ra sông, kênh mương...

Giải pháp thích ứng

Mặc dù các cấp, các ngành của thành phố đã vào cuộc quyết liệt, nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp khống chế, ngăn chặn nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngừng lại. Sau hơn một tháng xâm nhiễm vào một hộ chăn nuôi ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 122 hộ chăn nuôi, ở 58 thôn, tổ dân phố của 32 xã, phường thuộc 12 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Trì, Hoài Đức; làm mắc bệnh, tiêu hủy 2.218 con lợn với tổng trọng lượng 146.196kg.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố có nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ khu dân cư, không thường xuyên thực hiện biện pháp vệ sinh phòng bệnh; sử dụng thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn cho lợn ăn ngay mà không qua xử lý nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng…

Để khống chế bệnh dịch lây lan, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, trong bối cảnh trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì phương pháp rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả nhất. Các hộ chăn nuôi cần tích cực áp dụng biện pháp này. Bên cạnh đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch trên đàn lợn, thống kê tổng đàn nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh dịch, các biện pháp phòng, chống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường và chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất và vôi bột nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và phát tán bệnh dịch…

Ngày 2-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 1316/UBND-KT yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. UBND thành phố yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh dịch...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.