Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nguồn lực phát triển

Ánh Dương - Đỗ Minh| 09/04/2019 06:26

(HNM) - Dồn điền đổi thửa được coi là “chìa khóa” cho nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Tuy vậy, ở nhiều địa phương, mặc dù công tác này đã cơ bản hoàn thành, nhưng việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp lại chưa đạt yêu cầu đề ra...

Dồn điền đổi thửa góp phần tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.


Bài đầu: Nhận diện khó khăn, vướng mắc

Dồn điền đổi thửa là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Thực hiện chủ trương này, các địa phương đã tích cực vào cuộc và thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, hậu dồn điền đổi thửa, việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, từ đó ảnh hưởng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vay vốn phát triển sản xuất…

Tiến độ cấp giấy chứng nhận còn chậm

Hiện, tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước là hơn 27,2 triệu héc ta. Đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng chủ trương dồn điền đổi thửa đã được các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, bước đầu giúp hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao. Điển hình có thể kể đến các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa…

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, dồn điền đổi thửa không những tạo tiền đề cho việc tích tụ ruộng đất hiệu quả, mà còn là điều kiện hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn. "Đến nay, cả nước đã hình thành khoảng 35.500 trang trại trồng trọt, chăn nuôi thông qua việc tích tụ ruộng đất với số vốn bình quân 1,3 tỷ đồng/trang trại; thậm chí có trang trại đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển sản xuất; diện tích bình quân mỗi trang trại là 5,6ha, giá trị thu nhập trung bình hơn 2,7 tỷ đồng/trang trại/năm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Sau dồn điền đổi thửa, các tỉnh, thành phố đã triển khai kế hoạch cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình chuyên canh tập trung. Theo Bộ TN&MT, số liệu sơ bộ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho thấy, toàn quốc đã cấp được 21,4 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 9,2 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp; 1 triệu giấy chứng nhận với diện tích 0,6 triệu héc ta đất nuôi trồng thủy sản...

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, tỷ lệ cấp đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tiến độ triển khai còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả nước.

Thực tế, việc chậm cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa không chỉ khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền gặp khó khăn, mà còn làm cho nông dân khó phát huy được lợi thế từ nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã muốn liên kết với nông dân trong sản xuất, song do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nên doanh nghiệp còn e dè không dám liên kết triển khai xây dựng các dự án sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao...

Đâu là nguyên nhân?

Sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền


Trên cơ sở khảo sát tại các địa phương trong cả nước, Bộ TN&MT đánh giá có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp, đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa chưa đạt yêu cầu. Đơn cử như: Một số quy định của pháp luật về đất đai chưa được nhiều địa phương thực hiện nghiêm; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai ở nhiều nơi triển khai chậm so với yêu cầu; hệ thống văn phòng đăng ký đất đai ở một số địa phương chậm được kiện toàn, thiếu nhân lực và điều kiện hoạt động, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thậm chí, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa cụ thể, sát sao; nhận thức về pháp luật liên quan tới lĩnh vực đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế…

Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho biết, nguyên nhân khiến công tác cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh này bị chậm (vẫn còn khoảng 31.000 trường hợp chưa được giải quyết trong kế hoạch cấp 106.267 giấy chứng nhận trong năm 2018) là do một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định dành 10% kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Hay như tại tỉnh Bắc Giang, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh dồn điền đổi thửa hơn 14.000ha, trong số này có 10.800ha đã đo đạc bản đồ địa chính, song kết quả cấp đổi giấy chứng nhận đạt rất thấp, mới được hơn 20.000 giấy với diện tích khoảng 2.500ha.

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh này, công tác cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa chậm do một số địa phương chưa nghiệm thu được diện tích đã dồn điền đổi thửa từ những năm trước, bởi khi giao ruộng không yêu cầu các hộ ký biên bản tại đầu bờ, nên không bảo đảm điều kiện cấp giấy; hoặc có hộ sau khi dồn đổi, đã tự ý chuyển nhượng cho hộ khác, song không làm thủ tục đúng quy định, dẫn đến mất nhiều thời gian xác định chủ ban đầu; hay nhiều hộ bị mất "sổ đỏ" cũ, khiến đơn vị tư vấn gặp khó khăn khi xác định thông tin thửa đất...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Mai Văn Phấn cho rằng, công tác cấp đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhân dân đến chính quyền và các ngành quản lý. Tùy vào đặc thù mỗi địa phương để linh hoạt đưa ra giải pháp phù hợp; đặc biệt nên học tập kinh nghiệm từ những địa phương đã đạt được kết quả cao trong cấp, đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, điển hình như thành phố Hà Nội...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.