Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tập trung đẩy nhanh tiến độ

Ánh Dương - Đỗ Minh| 11/04/2019 06:50

(HNM) - Tích tụ ruộng đất với phương thức dồn điền đổi thửa, hoàn thiện bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp, người dân, chính quyền phát huy thế mạnh từ đất đai.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đã phát huy thế mạnh từ đất đai góp phần xây dựng nền nông nghiệp 4.0. Ảnh: Minh Hùng


Tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo kết quả tổng điều tra gần đây nhất, tháng 7-2016 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 25,6% tổng số xã. Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7m2 (năm 2011) lên 1.843,1m2 năm 2016.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Mai Văn Phấn, công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương, Bộ đang quyết liệt đôn đốc công tác này để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp nông dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, liên kết sản xuất, kinh doanh.

Nhà nước cũng đã có chính sách cởi mở hơn về đất đai và tích tụ đất đai, từng bước quy định mở rộng các quyền của người sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân thuê, nhận chuyển nhượng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chia sẻ, hiện rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là công tác cấp, đổi giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa còn chậm, trong đó có lý do thiếu kinh phí thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính.

Theo ông Lê Đức Giang, mỗi héc ta hoàn thiện tất cả các thủ tục chi phí mất khoảng 3,3 triệu đồng, gồm: Đo đạc, nhân công, dụng cụ, thiết bị, vật liệu. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều có diện tích đã dồn điền đổi thửa lớn, từ 300ha đến gần 2.000ha. Do đó, các bộ, ngành tham mưu Chính phủ xem xét có những tháo gỡ về nguồn kinh phí này.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp DKC (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) Phạm Văn Cương cho biết: Để đầu tư cho một dự án nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp cần đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề mấu chốt là sau khi nông dân được cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp, Công ty mới dám mạnh dạn thuê đất của nông dân để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô gần 100ha. Lợi ích thấy rõ là mỗi vụ, Công ty trả cho hộ nông dân 150kg thóc/sào, gấp 10 lần hoạt động sản xuất bình thường. Do đó, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về cấp, đổi giấy chứng nhận đất nông nghiệp, để nông dân tự chủ với tài sản của mình và hưởng lợi từ đất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập.

Đồng bộ các giải pháp

Thực tế, để tiếp tục phát huy nguồn lực đất đai, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Minh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, các cấp, ngành nên sớm hoàn thiện thủ tục như: Hoàn thành công tác đo đạc, quy hoạch, lập bản đồ địa chính, giải quyết các tranh chấp... để cấp giấy chứng nhận cho số diện tích đất nông nghiệp đang tồn đọng.

Cùng quan điểm, chuyên gia nông nghiệp, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, các địa phương cần coi việc cấp giấy chứng nhận là một nhiệm vụ chính trị. Cán bộ, chính quyền cơ sở phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác này đối với phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Từ thực tế của địa phương, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chia sẻ về những công việc tiếp tục triển khai: "Để giải quyết những tồn tại trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2019 hoàn thành Dự án Tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND thành phố phê duyệt, để làm cơ sở kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp còn lại. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận...".

Đối với những khó khăn, vướng mắc từ các quy định pháp luật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn cho hay, Bộ TN&MT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, đặc biệt chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký cấp giấy chứng nhận; tiếp tục thực hiện phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận ở địa phương, giảm thủ tục hành chính… Đối với nguồn kinh phí, Bộ sẽ có những đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ cho các địa phương còn vướng.

Ngoài ra, Bộ TN&MT còn ban hành văn bản đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24-8-2011, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Bộ cũng thường xuyên theo dõi, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận tại các địa phương, đặc biệt là đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.

Với sự đồng hành, vào cuộc đồng bộ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của các bộ, ngành cũng như sự ủng hộ của người dân, hy vọng các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, qua đó phát huy thế mạnh, tiềm năng từ đất đai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp 4.0, tạo nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tập trung đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.