Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Sơn Tùng| 08/05/2019 07:23

(HNM) - Ngành chăn nuôi Hà Nội đang gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh.


Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) đang nuôi 40 con lợn nái, 250 con lợn thịt, được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Khu chuồng trại nằm tách biệt khu dân cư, thường xuyên được vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Mỗi con lợn có nhật ký theo dõi riêng, được tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, bảo đảm chế độ thức ăn, nước uống sạch. Nhờ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, sản phẩm xuất chuồng được cơ quan chuyên môn xác nhận an toàn dịch bệnh...

Tương tự, trang trại tổng hợp của anh Đoàn Văn Mười (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) nuôi 15.000 con gà đẻ trứng kết hợp nuôi trồng thủy sản. Anh Đoàn Văn Mười cho biết, từ khi trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thuận lợi hơn do tạo được niềm tin với người tiêu dùng...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 55 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, như: Kinh phí xây dựng còn cao; chi phí xét nghiệm dịch bệnh tăng cao..., trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi bấp bênh. Ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng: "Việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi chưa có sự khác biệt rõ rệt giữa cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh và cơ sở không được công nhận...".

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, những hạn chế trên là do một số cơ sở chăn nuôi còn chưa tự nguyện tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, chưa thật sự hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ và các yêu cầu, tiêu chí đối với cơ sở an toàn dịch bệnh… Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, lợi ích từ xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã rõ, nhất là trong điều kiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có chiều hướng gia tăng, tốc độ lây lan lớn. "Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thành công thì vai trò, trách nhiệm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố là hết sức quan trọng. Họ là người trực tiếp tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh" - ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Để khuyến khích cho các cơ sở chăn nuôi chủ động xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi lợn an toàn tại xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh, được ưu tiên lựa chọn cung cấp con giống...
"Thời gian tới, ngoài hỗ trợ về hành lang pháp lý, thủ tục, quy trình, tập huấn kỹ thuật… để các trang trại, cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra các địa phương thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch; tiến tới hạn chế phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định, tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn" - ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.