Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp

Quyên Hoa| 31/05/2019 09:42

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, một trong những vấn đề “nóng” nhất hiện nay của ngành nông nghiệp là làm thế nào để giảm thiệt hại bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, bước đầu bảo đảm tăng trưởng tốt, trong đó có thủy sản, lâm nghiệp. Tuy nhiên, riêng nông nghiệp truyền thống là trồng trọt và chăn nuôi còn gặp khó khăn. Khối trồng trọt khó khăn nhất là giá nông sản giảm, còn chăn nuôi đặc biệt khó khăn vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp…

Nói riêng về bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, đây là vấn đề lớn, lần đầu tiên bệnh xảy ra ở nước ta. Loại bệnh này do một loại vi rút gây ra, khi tấn công vào đàn lợn gây tử vong 100%. Với đặc tính lây lan nhanh, tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên, thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh nên loại vi rút này đặc biệt nguy hiểm với ngành chăn nuôi lợn trên toàn thế giới, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Giá trị ngành nông nghiệp hiện nay là khoảng 1 triệu tỷ đồng, riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94 nghìn tỷ đồng, gần 10%. Hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm tỉ trọng hơn 70% cơ cấu bữa ăn trong các gia đình Việt Nam. Chăn nuôi lợn có thể giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ gia đình.

Ý thức được việc này, chỉ 1 tuần sau khi bệnh dịch xảy ra tại Trung Quốc (ngày 23-8-2018), Bộ NN&PTNT đã ban hành công điện khẩn đến các địa phương yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn từ xa; Chính phủ trực tiếp họp chỉ đạo, truyền hình trực tiếp đến các địa phương và yêu cầu xây dựng kế hoạch, ứng phó với bệnh dịch này. Đến nay, hơn 50 văn bản chỉ đạo đã được ban hành, tất cả địa phương đều nỗ lực vào cuộc để phòng chống, xử lý bệnh dịch.

“Đến nay, dù đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nhưng đáng tiếc là bệnh đã lây lan tới 43 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã. Số lượng lợn bị tiêu hủy là hơn 2 triệu con, chiếm 6,5% tổng số lợn của cả nước. Đây là thiệt hại vô cùng lớn. Tới đây, dự báo tình hình thời tiết vô cùng phức tạp, nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan ra các tỉnh còn lại và quay trở lại ở những ổ dịch cũ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề ra một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới để ngăn chặn sự lây lan, giảm thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra. Đó là: Không để bệnh lây lan thêm ở các tỉnh bằng các giải pháp an toàn sinh học; giảm quy mô thiệt hại kinh tế bằng cách giúp giá thịt lợn trên thị trường không bị giảm (hiện còn 94% đàn lợn sạch), không tăng đàn lúc này để giảm nguy cơ thiệt hại kinh tế; tập trung thúc đẩy các nhóm tăng trưởng khác như đại gia súc, gia cầm…; tập trung các giải pháp trung hạn như thúc đẩy nhanh các giải pháp an toàn sinh học, nghiên cứu vắc-xin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân…

Đánh giá chung về sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2018, ngành NN&PTNT đã đạt được mức tăng trưởng tốt với 3,76%, xuất khẩu nông sản đạt được hơn 40 tỷ USD. Đây là kết quả rất cao, thể hiện sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, của ngành nông nghiệp và nông dân.

Năm nay, ngành nông nghiệp được dự báo có nhiều thách thức, đặc biệt là chiến tranh thương mại khắc nghiệt diễn ra trên thế giới, vì thế, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, đặt ra mục tiêu phải đạt được 43 tỷ USD.

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề cập đến phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu phân tích, trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát, nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.

“Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống vốn chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, tạo ra lượng phế thải khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, đại biểu khẳng định mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Với tư duy theo hướng kinh tế tuần hoàn, không cái gì bị bỏ đi, đại biểu đề nghị có thể triển khai áp dụng công nghệ cao trong tái chế, tái sử dụng rác thải và phụ phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản để tạo ra giá trị gia tăng cao.

“Đặc biệt nếu có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn thì vừa tránh được những bất cập trong tiêu hủy, chôn lấp, vừa tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu Lan nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.