Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản: Nhất con giống, nhì khoa học kỹ thuật

Ngọc Quỳnh| 19/06/2019 07:28

(HNM) - Để nâng cao năng suất, giá trị và bảo đảm an toàn thực phẩm, thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng con giống và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệu quả kinh tế cao

Dẫn chúng tôi tham quan 7ha nuôi thủy sản theo hướng thâm canh của gia đình, ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn An Cư (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Diện tích nuôi thủy sản của gia đình tôi trước đây là ruộng trũng, chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất bấp bênh. Kể từ khi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chuyển đổi sang đào ao nuôi cá nên thu nhập được cải thiện đáng kể”.

Hiện trên diện tích nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Hoan nuôi cá trắm, cá chép... theo hướng an toàn, phòng dịch bệnh tốt nên chất lượng cá thương phẩm bảo đảm. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hoan thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng từ nuôi cá.

Nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Quỳnh Dung


Gia đình ông Ngô Văn Hải, thôn An Thái cũng là một trong những điển hình về phát triển nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Trầm Lộng. Hiện nay, trên diện tích 4ha, gia đình ông Ngô Văn Hải đầu tư đào ao nuôi cá, mua sắm hệ thống máy sục khí áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Mặc dù, mô hình mới chỉ trong giai đoạn thí điểm nhưng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cá lớn nhanh, năng suất đạt từ 10 đến 12 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp đôi so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống.

Việc chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi cá ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và con giống chất lượng của gia đình ông Nguyễn Văn Hoan và ông Ngô Văn Hải đã khích lệ nhiều hộ dân xã Trầm Lộng làm theo. Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh cho biết, toàn xã có 429ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 299ha chuyên canh nuôi cá và 130ha đa canh kết hợp trồng lúa, nuôi cá và vịt..., sản lượng thủy sản thu hoạch hằng năm đạt 3.000 tấn, thu nhập bình quân đạt từ 250 đến 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa…

Không riêng Ứng Hòa, nhiều huyện của Hà Nội cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đối tượng nuôi và hình thức nuôi thủy sản. Chẳng hạn như xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), toàn xã có 29,7ha nuôi thủy sản theo hướng bán thâm canh nuôi cá trắm, cá chép, năng suất đạt khoảng 6 tấn/ha/năm, sản lượng khoảng 300 tấn/ha/năm. Ông Đỗ Văn Hiệp, xã Vạn Thắng cho biết: "Hiện nay, người dân xã Vạn Thắng chủ yếu nuôi cá theo hướng bán thâm canh, đối tượng nuôi gồm các giống cá chất lượng, như: Chép, trắm và được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng nên sản phẩm không còn phải lo đầu ra".

Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có 30.840ha mặt nước, trong đó 22.418ha đang nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 115.000 tấn/năm. Những năm qua, ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân trên địa bàn thành phố đã tích cực đưa các giống cá chất lượng, năng suất cao vào nuôi, như: Cá lăng, trắm đen, chép giòn, tôm càng xanh siêu đực, cá chép lai… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa 2-3 lần.

Chú trọng chất lượng con giống

Dư địa về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố còn rất lớn. Tuy nhiên, việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, đặc biệt là thiếu nguồn giống thủy sản chất lượng cao. Nguyên nhân là do thành phố có 17 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhưng quy mô nhỏ lẻ, chất lượng con giống chưa đáp ứng được nhu cầu khiến người dân phải nhập giống thủy sản từ các tỉnh, thành phố…

Từ thực tế nuôi trồng thủy sản của địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Tân Tiến (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) Đỗ Văn Sim kiến nghị, các sở, ngành thành phố tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị, con giống và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thành phố quan tâm bố trí ngân sách cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản đồng bộ khép kín, gồm: Đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi nội đồng... để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của thành phố Hà Nội khá lớn, khoảng 243.000 tấn/năm. Trong định hướng của thành phố sẽ tập trung thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, vì vậy, việc tập trung phát triển sản xuất con giống thủy sản sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở NN&PTNT đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản, trong đó chú trọng phát triển sản xuất con giống thủy sản.

Theo đó, Sở NN&PTNT rà soát tham mưu thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, trang thiết bị, giống cá bố mẹ cho 2 cơ sở sản xuất giống cá rô phi với công suất 50 triệu con giống/năm và các cơ sở sản xuất giống thủy sản còn lại để có nguồn con giống chất lượng cao, cung cấp đủ cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở NN&PTNT sẽ nghiên cứu, tham mưu với thành phố ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ cá đầu mối, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nước ngọt… nhằm thúc đẩy kênh phân phối sản phẩm, giải quyết đầu ra cho nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản: Nhất con giống, nhì khoa học kỹ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.