Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa

Quỳnh Dung| 30/06/2019 07:11

(HNM) - Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc thẩm định, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.


Liên tục kiểm tra

Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 của Bộ NN&PTNT về quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT và Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2018 của Bộ NN&PTNT quy định về phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã đẩy mạnh việc thẩm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Trong tháng 5-2019, Chi cục đã kiểm tra, đánh giá xếp loại 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó, 30 cơ sở được xếp loại A, B; 14 cơ sở xếp loại C. Sau khi khắc phục, một cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và lên loại B.

Đối với các cơ sở xếp loại C, Chi cục đã ban hành thông báo yêu cầu cơ sở khắc phục tồn tại và báo cáo về đơn vị để tiến hành đánh giá lại theo quy định. Ngoài việc đánh giá, xếp loại, trong tháng 5-2019, Chi cục đã cấp 28 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Qua quá trình thẩm định, kiểm tra các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, cơ quan chức năng cơ bản nắm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở. Toàn thành phố hiện có hơn 20.000 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhưng có tới 90% các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại và xử lý vi phạm.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, đối với các cơ sở nhiều lần xếp loại C, Chi cục kiên quyết làm theo quy định, nếu các cơ sở 3 lần kiểm tra đều bị xếp loại C thì sẽ kiến nghị với đơn vị cấp giấy phép kinh doanh thông báo chủ cơ sở không được hoạt động, sản xuất hoặc phân phối, kinh doanh sản phẩm ra thị trường, đồng thời kiên quyết không xếp loại...

Đối với các địa phương, vấn đề quản lý các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản càng khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Trúc cho biết, toàn huyện đã đánh giá xếp loại gần 200 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhưng do cấp huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm nên công tác thẩm tra, đánh giá xếp loại còn hạn chế. Đa số các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm nằm xen kẽ trong khu dân cư, buôn bán thời vụ, điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm nên khó khăn trong công tác quản lý, thẩm tra, xếp loại.

Công tác xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã, thị trấn rất ít do còn tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế về vệ sinh an toàn thực phẩm, còn vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm, kinh doanh những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Tăng tần suất kiểm tra

Để từng bước quản lý chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện, xã về Luật An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Các huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các xã, thị trấn kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp huyện đăng ký kinh doanh và triển khai rà soát, tổng hợp, tiến hành cam kết đối với những cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng tần suất kiểm tra, qua đó, công khai các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không tiêu dùng các sản phẩm thuộc những cơ sở này.

Để việc thẩm tra, xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho rằng, các xã, thị trấn phải nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các sở, ngành tham mưu thành phố huy động nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ và kinh doanh thực phẩm, hạn chế giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; đồng thời, hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng vùng sản xuất an toàn nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.