Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Ngọc Quỳnh| 03/07/2019 08:16

(HNM) - Để cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn, tiêu thụ chưa ổn định nên sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang cần hỗ trợ để có sức bật mới.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ người sản xuất khỏi các tác hại của việc lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Song, thời gian qua việc triển khai mô hình này còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Bà Dương Thị Lành ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết, so với phương thức trồng lúa truyền thống, trồng lúa hữu cơ mất nhiều công chăm sóc, đầu tư lớn trong khi năng suất không cao. Dù giá bán cao hơn nhưng đầu ra của lúa hữu cơ chưa ổn định nên chỉ khoảng 60% sản phẩm gạo của gia đình được doanh nghiệp mua với giá cao; số còn lại, gia đình tự bán ở nơi khác...

Không chỉ gặp khó trong khâu tiêu thụ, việc cung ứng vật tư đầu vào cho canh tác hữu cơ cũng hạn chế. Bà Nguyễn Thị Phương Liên (huyện Gia Lâm) chia sẻ: Sản xuất hữu cơ, yếu tố quan trọng nhất là nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ. Với diện tích 2,3ha trồng rau quả, trang trại của bà Liên cần lượng lớn phân bón hữu cơ, tuy nhiên sản phẩm này trong nước còn ít nên phải nhập khẩu với giá cao hơn 10-15% (so với phân bón hữu cơ sản xuất trong nước)...

Về thực trạng nêu trên, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, hiện cả nước có hơn 117.000ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản hữu cơ, chỉ chiếm 0,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Nguyên nhân chính là sản xuất hữu cơ chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc chế phẩm sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng. Trong khi đó, năng suất sản phẩm không cao, giá thành sản phẩm thường cao gấp hơn từ 2 đến 4 lần so với sản xuất truyền thống nên chỉ một bộ phận nhỏ người tiêu dùng đủ điều kiện sử dụng sản phẩm hữu cơ...

Để tạo sức bật cho nông nghiệp hữu cơ, Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho rằng, các cơ quan quản lý cần xem xét và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu nguồn vật tư đầu vào đang bị thiếu hụt trong nước; tạo điều kiện cho người sản xuất duy trì, phát triển phương thức canh tác hữu cơ.

Các địa phương cần quy hoạch, bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng có tiềm năng phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp nhập nhèm giữa nông sản hữu cơ với sản phẩm nông nghiệp truyền thống trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng.

Ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với tầm nhìn dài hạn; từng bước bổ sung các tiêu chí về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, tạo thuận lợi cho người sản xuất. Các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ về đất đai, vốn... nhằm đưa công nghệ tiên tiến vào các khâu bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu...

Cùng với đó, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần chủ động cập nhật những chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tìm hiểu thông tin về thị trường để đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất ra những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.