Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Cần sự hỗ trợ xứng đáng

Khánh Vũ| 06/08/2019 07:39

(HNM) - Những năm gần đây, số lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ngày càng tăng. Công cụ sở hữu trí tuệ này đã góp phần nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm vẫn gặp khó khăn khi thương mại hóa bởi chưa phát huy hết giá trị của chỉ dẫn địa lý cũng như chưa có được những chính sách hỗ trợ thích đáng.

Sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Sơn Hà

Giá trị tăng sau khi được bảo hộ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến nay, Việt Nam đã bảo hộ 74 chỉ dẫn địa lý quốc gia. Như vậy, trong hơn 10 năm qua, số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia đã tăng 3,5 lần. Trong đó, có 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo. Có 5 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ, là: Nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, về cơ bản, chỉ dẫn địa lý đã tác động đến giá trị của sản phẩm. Giá bán của các sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đều có xu hướng tăng, từ 50% đến 100%, như sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), chuối ngự Ðại Hoàng (Hà Nam), cam Vinh (Nghệ An), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…

Ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm, hiện cả nước có gần 1.000 sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm phi nông nghiệp, đồ uống có khả năng đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật để công nhận chỉ dẫn địa lý không phải đơn giản như đăng ký một nhãn hiệu. Không phải sản phẩm nào cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu nên số lượng sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý chưa nhiều.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể vẫn gặp nhiều khó khăn, từ xây dựng hồ sơ đăng ký đến huy động nguồn lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, quảng bá và nâng cao hiệu quả của các chỉ dẫn địa lý đã được Nhà nước bảo hộ. Đặc biệt, việc phát triển, thương mại hóa một số sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đang gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chính sách vùng nguyên liệu

Các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hầu hết là sản phẩm thô, nên rất cần công nghệ chế biến để tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn, ông Bùi Xuân Sinh cho biết: Trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản, sản phẩm vải sấy đã không được lựa chọn xuất khẩu vì sử dụng công nghệ sấy bằng than. Vì vậy, vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đang cần các doanh nghiệp chế biến, có công nghệ sấy hiện đại tham gia để làm tăng giá trị cho sản phẩm. Hiện chỉ có ba sản phẩm vải có thể bán được sang thị trường Mỹ và EU đó là quả vải đông lạnh, cùi vải đông lạnh, cùi vải ngâm nước đường đóng hộp sắt.

Tương tự, một số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý khác cũng gặp những khó khăn trong quá trình phát triển và thương mại hóa, như: Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng, Hà Nam, gặp phải tình trạng bị trà trộn sản phẩm từ các vùng khác, gây khó khăn trong công tác bảo vệ thương hiệu. Bên cạnh đó, do đặc thù của địa phương, việc bảo tồn quỹ đất có thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như gạo tám xoan Hải Hậu, Nam Định, suy giảm diện tích trồng sau 5 năm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện số hộ trồng giống lúa này đã giảm từ 400 hộ xuống còn khoảng 200 hộ.

Ông Nguyễn Hữu Tài, xã Hải Ninh, Hải Hậu cho biết, gia đình ông cảm thấy khá khó khăn để duy trì diện tích trồng tám xoan như trước, bởi giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài, thu hoạch lại vào cuối vụ nên bị dịch hại, sâu bệnh nhiều. Bên cạnh đó, sản phẩm đầu ra có giá thấp do phụ thuộc vào thương lái.

Ông Trần Văn Biên, Hiệp hội Tám xoan Hải Hậu cho rằng, để sản phẩm chỉ dẫn địa lý được thương mại hóa và đem lại lợi ích kinh tế lâu dài, cần chú trọng xây dựng tốt mối liên kết “4 nhà”, nhất là gắn kết khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đào Đức Huấn phân tích: Nguyên nhân gây suy giảm sự phát triển của sản phẩm chỉ dẫn địa lý đến từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa làm thay đổi hệ thống sản xuất nông thôn, khả năng sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, dù nhiều sản phẩm đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý vẫn khó được thúc đẩy thành công cụ phát triển kinh tế.

“Chúng ta cần xây dựng chính sách vùng nguyên liệu, đặc biệt là đối với những sản vật có tính đặc thù. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ nhằm duy trì và phát triển sản phẩm theo cả hướng bảo tồn văn hóa chứ không chỉ như một công cụ phát triển kinh tế” - ông Đào Đức Huấn đề xuất.

Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để thị trường trong và ngoài nước biết đến nông sản Việt Nam, tăng giá trị cho sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý ngày càng trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm cách đăng ký chỉ dẫn địa lý ở một số thị trường quan trọng cho nông sản của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Cần sự hỗ trợ xứng đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.