Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm: Đòi hỏi những giải pháp căn cơ

Ngọc Quỳnh| 07/08/2019 07:38

(HNM) - Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nhằm kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện hàng loạt vấn đề như một số địa phương chưa thực hiện theo quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng còn chắp vá... Một hệ thống giải pháp mang tính căn cơ là đòi hỏi tất yếu từ thực tế.

Chăn nuôi gà theo mô hình trang trại, áp dụng công nghệ tiên tiến tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt

Hiệu quả đã rõ, nhưng...

Thời gian gần đây, Hà Nội đã tập trung chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đến nay, thành phố đã hình thành 15 vùng chăn nuôi tập trung, gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa (ở huyện Ba Vì, Gia Lâm), 4 vùng chăn nuôi lợn (Sơn Tây, Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai) và 9 vùng chăn nuôi gia cầm (Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Sóc Sơn) với 76 xã chăn nuôi trọng điểm (15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm).

Nói về việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết: "Để cung cấp cho thị trường mỗi ngày 70.000 quả trứng sạch, ngoài 14 trại chăn nuôi khép kín, công ty đã liên kết với 25 trang trại chăn nuôi gia cầm của các xã trên địa bàn. Không chỉ đủ số lượng hàng bán ra thị trường, kiểm soát được quy trình sản xuất mà mỗi năm doanh thu từ mô hình này lên đến hàng tỷ đồng".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ở Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khi một số địa phương chưa thực hiện nghiêm việc phát triển theo quy hoạch. Lối chăn nuôi tự phát, không dự tính được đầu ra sản phẩm vẫn kéo theo nhiều hệ lụy.

Ông Nguyễn Văn Việt ở xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) phản ánh, Vạn Thái là xã chăn nuôi trọng điểm của huyện Ứng Hòa với hàng chục trang trại quy mô lớn nhưng chưa thực hiện được việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông dân vẫn tự “bơi” nên đầu ra bấp bênh.

Ở góc nhìn khác, theo ông Trần Văn Chiến ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), mặc dù xã quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung xa khu dân cư, nhưng các hộ dân vẫn “mạnh ai nấy làm”, với mật độ nuôi quá lớn - từ 2.000 đến 6.000 con lợn/trại, vượt diện tích so với quy hoạch nên ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, hiện công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn chắp vá, thiếu chiến lược quy hoạch theo giống vật nuôi và theo vùng sinh thái. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Một số trang trại ở vùng chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Đồng thời, các trang trại chưa có sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nên đầu ra sản phẩm chưa thực sự ổn định, dẫn tới chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

...Vẫn cần một hệ thống giải pháp đồng bộ

Với những bài toán đặt ra từ thực tế, Hà Nội cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có việc thiết lập hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), các địa phương sau khi quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất. Cùng với đó, hỗ trợ người chăn nuôi về kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Để chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phát huy hiệu quả, Hà Nội cần hướng dẫn các huyện, thị xã phát triển theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng tự phát, đầu tư nhỏ lẻ, manh mún; phải thiết lập hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, nông dân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hợp tác xã".

Đồng thời, chăn nuôi phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, chú ý sinh kế cho người dân và bảo đảm môi trường. Các trang trại cũng cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu và có phương thức sản xuất bền vững trong cơ chế thị trường.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng tận dụng lợi thế của mỗi địa phương. Theo đó, thành phố tập trung phát triển sản xuất giống ở những vùng trọng điểm như: Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Chương Mỹ...; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hợp tác với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

"Các huyện, thị xã cần tạo điều kiện trong việc giao đất lâu dài để chủ trang trại, doanh nghiệp lập dự án thu hút vốn đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao và hỗ trợ người dân sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Mặt khác, cũng sẽ quản lý được dịch bệnh trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp...", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm: Đòi hỏi những giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.