Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Nguyễn Mai| 14/08/2019 07:56

(HNM) - Mô hình trồng rau mầm, rau baby của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) là một trong những điển hình phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Nhờ chọn hướng đi đúng và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mô hình này có quy mô nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả lớn...

Thu hoạch rau mầm ở Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Mạnh Dũng

Khu trồng rau của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đang duy trì trồng hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby (loại rau có kích thước ngắn, thân bé, được trồng bằng kỹ thuật canh tác như trồng những loại rau thông thường nhưng phải thu hoạch sớm hơn một nửa thời gian).

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà giới thiệu: Đây là các loại rau mới trên thị trường. Rau mầm được trồng từ các hạt: Cải, muống, hành tây, đậu xanh, đậu đỏ..., sau 4-10 ngày trồng là thu hoạch; rau baby là các loại rau ăn lá phát triển đạt khoảng 40-50% khả năng sinh trưởng của rau thông thường. Do là các loại rau được thu hoạch sớm nên nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, chỉ rửa sạch là chế biến được món ăn luôn. 

Chị Nguyễn Thị Sơn, công nhân Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cho biết: Các loại rau mầm của hợp tác xã được trồng trên giá thể là than bùn, còn rau baby được trồng trực tiếp xuống đất. Hợp tác xã đã đầu tư nhà lưới, nhà màng, kho lạnh và khu sơ chế, bảo quản rau... theo quy trình khép kín; có hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống cảm biến mưa giúp điều chỉnh lượng nước tưới cần thiết. Điều này giúp hạn chế tối đa sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Nói về mô hình, chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà chia sẻ: Nắm bắt nhu cầu của thị trường đòi hỏi những thực phẩm sạch, ngon nên hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau mầm, rau baby từ năm 2013. Ban đầu mô hình có quy mô nhỏ nhưng cho hiệu quả cao nên đã từng bước được mở rộng và đến năm 2018 hợp tác xã được thành lập. Hiện nay, hợp tác xã có 1,2ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Trong trồng rau, hợp tác xã không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục; sử dụng biện pháp bảo vệ thực vật bằng cách cho đất nghỉ giữa các vụ rau để loại bỏ các mầm bệnh trong đất...  

Nhờ biện pháp canh tác khoa học nên năng suất cây trồng luôn bảo đảm, ước tính mỗi năm, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà thu hoạch khoảng 55 tấn rau (mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 150kg). Rau của hợp tác xã đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng rau sạch trên địa bàn Hà Nội...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau và được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN& PTNT Hà Nội) cấp chứng nhận VietGAP. Theo tính toán, với diện tích 1,2ha, trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu về gần 4 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu rất cao đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mặt khác, mô hình này phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô như: Diện tích canh tác nhỏ, lợi thế thị trường tiêu thụ tốt...

Do vậy, huyện Thường Tín đã hỗ trợ làm đường giao thông đến vùng sản xuất của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà. Đồng thời, tạo điều kiện cho đơn vị tham gia các mô hình khảo nghiệm giống, phân bón… Từ mô hình này, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục giới thiệu để người dân trên địa bàn đến học tập kinh nghiệm và khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.