Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đan Phượng tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Đào Huyền - Ảnh: Bá Hoạt| 15/08/2019 09:25

(HNMO) - Sáng 15-8, UBND huyện Đan Phượng đã tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018 trên địa bàn huyện. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Năm 2010, khi triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Đan Phượng có xuất phát điểm thấp so với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Song, với sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy cùng nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Chương trình số 02-CTr/TU trên địa bàn huyện đạt những kết quả nổi bật. Kinh tế có sự phát triển rõ nét, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 14,24% (năm 2010) xuống còn 8,06% (năm 2018); nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt 1.375,8ha; hình thành các vùng sản xuất tập trung, có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chuỗi liên kết khép kín; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, nhất là giao thông; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới năm 2018 là 0,66%. Năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 47,9 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010). 

Trong 10 năm qua, Đan Phượng đã huy động được 412,7 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân và xã hội hóa để phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, huyện có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đan Phượng là huyện đầu tiên của Thủ đô và là 1 trong 10 huyện tiêu biểu trong cả nước được công nhận huyện nông thôn mới.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tháng 5-2019, 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên của thành phố được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2019, huyện Đan Phượng phấn đấu có 6/7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương, đánh giá rất cao nỗ lực của cán bộ, nhân dân huyện Đan Phượng trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt ghi nhận kết quả đáng tự hào của Đan Phượng trong xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Đan Phượng là huyện có truyền thống lịch sử, văn hóa; là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, quê hương đạt 5 tấn lúa/ha đầu tiên của miền Bắc. Trong thời kỳ đổi mới, Đan Phượng là địa phương luôn tiên phong trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Sáng tạo chính là điểm nhấn và điểm sáng của Đan Phượng trong thực hiện Chương trình số 02 với nhiều mô hình hay, cách làm tốt cho nhiều địa phương khác tham khảo, như: “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm”, “Tuyến đường nở hoa”, “Con đường bích họa”…

Không dừng lại ở đạt chuẩn các tiêu chí, ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Đan Phượng triển khai ngay việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao. Một lần nữa, Đan Phượng lại tiên phong về xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố. Nổi bật, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới, lấy nội lực là căn bản, là sự nghiệp của toàn dân và nhân dân chính là chủ thể thụ hưởng thành quả đó. Nông nghiệp phát triển với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hình thành nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ... Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn không ngừng nâng cao. Đây là kết quả quá trình lao động sáng tạo, cống hiến không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đan Phượng.

Tuy nhiên, cùng với kết quả tích cực, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ một số hạn chế của huyện, như: Việc ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng; hoạt động của một số hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận nông thôn mới nâng cao cho 3 xã.

Phát huy những kết quả nổi bật, khắc phục hạn chế, phấn đấu xây dựng huyện trở thành quận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Đan Phượng một số nhiệm vụ cụ thể: 

Tiếp tục giữ vững phong độ, vị trí tiên phong mang tính dẫn dắt trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy và cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao nhằm chuẩn bị cho việc phát triển từ huyện lên quận trong tương lai gần.

Đan Phượng cần nghiên cứu để có những giải pháp tối ưu phát triển kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; phát triển mạnh hơn các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã; thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cấp các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm quy mô tương xứng với tiềm năng của huyện; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo chỉ đạo của UBND thành phố…

Ngoài ra, huyện cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và lộ trình đô thị hóa. Đặc biệt, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; nghiêm túc quán triệt, triển khai các chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Thành ủy…

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng.

Các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU cũng được huyện khen thưởng dịp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.