Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung: Hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ

Ngọc Quỳnh| 30/08/2019 07:36

(HNM) - Hiện nay, các huyện đang đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của người dân.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi trồng thủy sản của địa phương, ông Phạm Văn Ân (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) cho hay: Hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi thủy sản của xã vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đường giao thông vào khu trang trại chủ yếu là đường rải đá cấp phối nên khi thu hoạch thủy sản hoặc vận chuyển thức ăn, con giống về thả nuôi gặp nhiều khó khăn...

Còn tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), mặc dù vùng nuôi trồng thủy sản ở đây đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhưng vẫn thiếu đồng bộ, không có các nhánh đường xương cá và hạ tầng phụ trợ cho vùng nuôi, như: Chợ đầu mối, cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch...

Trao đổi về những khó khăn trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: "Từ năm 2010, huyện đã được thành phố phê duyệt dự án phát triển khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại 5 xã (Cổ Đô, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân và Vạn Thắng) với quy mô hơn 342ha, vốn đầu tư là 129 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai, do một số hạng mục cần thu hồi đất nhưng dự án chưa có kinh phí để giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật ở các vùng nuôi thủy sản đều thiếu, nhất là các xã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản phải sử dụng hệ thống thủy lợi chung với sản xuất nông nghiệp, nên việc xử lý nguồn nước nuôi cá và nước thải của các hộ dân thực hiện chưa đúng quy trình kỹ thuật.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, trên cơ sở quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố đã quy hoạch 13 dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì) với tổng diện tích 2.400ha. Song, đến nay mới có 2 dự án được đầu tư triển khai, gồm: Dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở 2 xã Trung Tú và Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) với diện tích 232ha và dự án nuôi trồng thủy sản của xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) với diện tích 93,2ha; còn lại 11 dự án vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn để thực hiện các hạng mục của dự án. Điều này cũng gây khó khăn cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phát triển đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, theo ông Nguyễn Văn Tản ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa): Các sở, ngành sớm xem xét tham mưu thành phố ưu tiên vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tập trung ở các xã. Ngoài hệ thống đường giao thông nông thôn, đường điện, hệ thống thủy lợi nội đồng, cần quan tâm đầu tư thêm các công trình phụ trợ trong quá trình nuôi như: Hệ thống quan trắc bảo vệ môi trường, chợ đầu mối, nhà sơ chế, bảo quản sau thu hoạch...

Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cấp, mở rộng các trung tâm, trại sản xuất giống đã có, xây dựng thêm trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tư nhân củng cố và mở rộng quy mô. Trước mắt, Sở sẽ rà soát, đánh giá về điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện đã được phê duyệt; đề xuất các dự án cải tạo, nâng cấp nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung: Hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.