Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chuỗi liên kết nông sản giữa Hà Nội với các địa phương: Các bên cùng nỗ lực

Ngọc Quỳnh| 29/11/2019 07:40

(HNM) - Phát triển các chuỗi liên kết nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố không phải vấn đề mới nhưng luôn là câu chuyện thời sự của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Trong thời gian qua, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các bên cần nỗ lực hơn nữa để tạo mối quan hệ bền chặt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn...

Các đặc sản nổi tiếng của Bắc Kạn được giới thiệu tại “Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019” tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Hải Anh

Chưa khăng khít vì nhiều lý do

Liên kết tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành phố đã xuất hiện ở khá nhiều địa phương trên địa bàn cả nước chứ không riêng Hà Nội. Tuy nhiên, phát triển ra sao, theo định hướng nào để các bên cùng có lợi mới là câu chuyện đáng bàn. Từ điểm nhìn của nhà sản xuất, ông Đoàn Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trung bình mỗi năm công ty cung cấp 356 tấn hàu cho các siêu thị Big C, Metro, Co.opmart... Tuy nhiên, do việc liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chưa chặt chẽ, nên số lượng tiêu thụ còn ít so với tiềm năng sản xuất của công ty.

Ở góc độ của nhà thu mua, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam Bùi Hoài Linh thông tin, tập đoàn đang triển khai nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn trong hệ thống Big C qua việc đặt hàng trực tiếp với các hộ nông dân và hợp tác xã. Nhưng việc liên kết chuỗi nông sản với nông dân rất khó khăn bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi yêu cầu đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán...

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, huyện đã hỗ trợ 7 đơn vị xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng còn vướng mắc như: Chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi đó giá bán chưa như mong đợi. Mặt khác, người sản xuất chưa nghiêm túc thực hành quy trình sản xuất an toàn, chưa tuân thủ hợp đồng đã ký với các cơ sở tiêu thụ...

Đánh giá về việc thực hiện chuỗi liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội và các tỉnh đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung cấp nông sản, nhưng số lượng cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận còn hạn chế, công tác tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào - ra giữa Hà Nội và ngược lại còn khó khăn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là Hà Nội và các tỉnh chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; chất lượng nông sản chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Mặt khác, kế hoạch sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường dẫn đến một số sản phẩm cung vượt cầu, khó khăn trong tiêu thụ. Doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thiếu sự liên kết, hoặc có liên kết nhưng không bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro mà mới chỉ liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán.

Nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết

Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân (tỉnh Nam Định), hiện sản phẩm gạo an toàn của công ty được tiêu thụ tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố với sản lượng 7.000 tấn/năm. Để thúc đẩy việc liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp Nam Định với Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, thông qua đó để doanh nghiệp của tỉnh Nam Định và Hà Nội tìm hiểu thông tin, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Nông sản của các tỉnh, thành phố được trưng bày ở một hội chợ tổ chức tại Hà Nội.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, Nguyễn Thành Công thông tin, để hỗ trợ người dân liên kết và sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tỉnh tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc kết nối giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thu mua. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản... Vấn đề lúc này là tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin quản lý nhà nước về các sản phẩm nông sản an toàn giữa Hà Nội với tỉnh Sơn La để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Trước những đòi hỏi của thực tiễn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ tìm cơ chế hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để các tỉnh, thành phố trong cả nước có địa điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền tại Thủ đô. Cùng với đó, Sở sẽ phối hợp đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản an toàn đủ điều kiện của các tỉnh, thành phố tham gia chợ thương mại điện tử nông sản an toàn của thành phố...

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các địa phương phải quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm; thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các địa chỉ kinh doanh sản phẩm an toàn... để thiết lập liên kết với các cơ sở phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Hà Nội. Đặc biệt, Hà Nội cũng như các địa phương cần chú trọng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để minh bạch thông tin sản phẩm.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, để chuỗi liên kết nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, các bên liên quan đều phải nỗ lực. Cụ thể, cơ sở sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm; doanh nghiệp phải minh bạch trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Và cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các chiến lược khả thi, ban hành chính sách thiết thực để hỗ trợ cho việc nâng cao chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chuỗi liên kết nông sản giữa Hà Nội với các địa phương: Các bên cùng nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.