Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hàng nghìn gốc đào ở Đông Ngạc bị chết?

Ngọc Quỳnh| 08/12/2019 09:45

(HNMO) - Thời điểm này, tại các cánh đồng ở khu vực Ruộng Lính, Bờ Chuôm, Đồng Mới thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều người dân đang tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn cuối cùng của việc trồng đào. Bên cạnh những vườn đào đang nảy mầm, chào đón mùa xuân, có một số vườn đào lại bị chết khô hoặc được chuyển sang trồng rau màu...

Người dân phường Đông Ngạc tuốt lá ở những cây đào còn lại.

Bà Đặng Thị Đào, ở tổ dân phố Nhật Tảo 1, phường Đông Ngạc cho biết, gia đình có 3,5 mẫu đất và trồng hơn 600 gốc đào, nhưng hiện nay, hơn 200 gốc đào thương phẩm đã bị chết.

“Vừa qua, các ngành chức năng đã hỗ trợ thiệt hại 35.000 đồng/gốc, nhưng cũng chỉ bù vào giá cây giống. Bởi mỗi gốc đào, tôi có thể chặt ra được 4-5 cành và bán 70.000 đồng/cành vào dịp Tết. Như vậy, mỗi gốc đào thiệt hại khoảng 280.000-350.000 đồng. Với 200 gốc đào bị chết thì Tết năm nay gia đình tôi sẽ thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Năm nay, thời tiết đẹp nên khả năng đào được mùa, vậy mà, giờ mất trắng sau trận mưa bão số 3 hồi tháng 8 vừa qua... Để vớt vát chút vốn, gia đình tôi trồng hoa màu ở những diện tích đào bị chết” - bà Đào ngậm ngùi cho biết.

Còn theo bà Lê Thị Thanh Hải, gia đình có 1.300 cây đào cành và đào giống bị chết do ngập úng. Số đào này gia đình ươm và dự định bán cho các hộ dân trên địa bàn phường sau khi thu hoạch vụ đào Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới để trồng cho vụ đào sau. Nhưng nay, cây giống bị chết toàn bộ, "coi như năm nay mất Tết"...

Về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Hữu Bân cho biết, sau đợt mưa bão số 3, toàn bộ khu cánh đồng ở Ruộng Lính, Bờ Chuôm, Đồng Mới bị ngập úng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và sự phát triển của đào cảnh. Qua kiểm tra thực tế, các công trình của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thủ đô và Công ty cổ phần Bất động sản Bắc 9 đang được thi công tại đây, xung quanh làm hàng rào tôn và đổ đất làm đường cao hơn mặt ruộng cũ 1m, lấp toàn bộ hệ thống tiêu nước từ cánh đồng ra kênh tiêu Đông Ngạc là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập úng. Tổng diện tích đào bị thiệt hại là gần 2 ha, số đào cảnh chết là 2.456 cây, số đào giống chết là 3.025 cây.

Vườn đào của gia đình bà Đặng Thị Đào được chuyển sang trồng hoa màu ở những vị trí đào bị chết.

Theo Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Liên, ngay sau khi phường Đông Ngạc báo cáo về tình trạng 34 hộ trồng đào trên địa bàn bị thiệt hại do ngập úng, quận đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án xác định việc hoàn trả tuyến mương khớp nối hạ tầng, bảo đảm tiêu thoát nước bình thường phục vụ sản xuất; đồng thời, xem xét việc bồi thường, hỗ trợ với số cây trồng, hoa màu ảnh hưởng. Theo đó, đào giống chết được bồi thường 5.000 đồng/cây, đào trồng để thu hoạch dịp Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng được hỗ trợ 35.000 đồng/cây. Việc chi trả, hỗ trợ tiền cho người dân đã thực hiện xong trong tháng 10-2019. 

Bên cạnh đó, tháng 11-2019, Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị quận đã phối hợp với phường Đông Ngạc, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô khảo sát toàn bộ tuyến mương khu cánh đồng Ruộng Lính, Đồng Mới, Bờ Chuôm để thống nhất phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy và lập thiết kế bản vẽ thi công dự toán nạo vét hệ thống mương; hoàn trả các tuyến mương khớp nối hạ tầng, bảo đảm tiêu thoát nước bình thường phục vụ sản xuất. Hiện Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Thủ đô, Công ty cổ phần Bất động sản Bắc 9 đã tiến hành khảo sát, đo đạc, xây dựng phương án nạo vét, hoàn trả các tuyến kênh, mương thoát nước gửi các phòng chức năng của quận để thẩm định.

“Hiện, phường Đông Ngạc đã làm việc với các đơn vị thi công, khi người dân thu hoạch xong vụ đào Tết Nguyên đán Canh Tý thì sẽ nạo vét và làm lại hệ thống mương thoát nước bảo đảm cho sản xuất cây trồng vào vụ sau”, ông Nguyễn Hữu Bân, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hàng nghìn gốc đào ở Đông Ngạc bị chết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.