Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó với nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân: Cần giải pháp đồng bộ

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 06/01/2020 07:36

(HNM) - Vụ xuân là vụ sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất đối với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, vụ xuân năm nay đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nước, cần giải pháp đồng bộ để ứng phó và thích ứng nhằm bảo đảm sản xuất…

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ lắp đặt trạm bơm dã chiến,  sẵn sàng cấp đủ nước sản xuất vụ xuân.

Nguồn nước - thách thức lớn nhất

Vụ xuân năm nay, 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phấn đấu gieo cấy khoảng 528.700ha lúa; trong đó, thành phố Hà Nội gieo cấy khoảng 90.000ha. Đây là vụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bởi cung cấp khối lượng lớn lương thực, thực phẩm tươi, sạch, an toàn cho khu vực này. Thế nhưng, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là vụ sản xuất mà ngành Nông nghiệp phải đối mặt với hai thách thức lớn nhất là thời tiết và nguồn nước.

Về thời tiết, nông dân có đủ trình độ, kinh nghiệm năng lực ứng phó và thích ứng… Còn về nguồn nước, theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong tổng số 528.700ha gieo cấy vụ xuân 2020 thì có tới 420.960ha phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện thượng lưu sông Hồng; trong đó, thành phố Hà Nội có 65.240ha. Tuy nhiên, do năm 2019, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ xuất hiện ít lũ nên dòng chảy đến các hồ chứa lớn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Thực tế, tổng dung tích trữ của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng hiện nay thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 5,10 tỷ mét khối; trong đó, tổng dung tích 3 hồ chứa: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà giảm khoảng 3,08 tỷ mét khối… “Dự báo từ tháng 1 đến tháng 6-2020, nguồn nước trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 20-40%, sông Thao thiếu hụt 20-50%, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt 20-30%...”, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin thêm.

Trước những dự báo có nhiều khó khăn, Tổng cục Thủy lợi đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ để xây dựng kế hoạch điều tiết 3 đợt bổ sung nguồn nước từ hồ thủy điện cho lưu vực sông Hồng, với tổng số 18 ngày. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải, nếu thực hiện đúng kế hoạch của Bộ NN&PTNT thì tổng lượng nước xả trong 3 đợt phục vụ sản xuất vụ xuân 2020 sẽ là 4,3 tỷ mét khối. Và như vậy, mực nước của các hồ thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang chỉ cách mực nước chết lần lượt là 3,17m, 2,93m và 3,56m. “Với thực trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước phát điện và cấp để sản xuất nước sạch sinh hoạt phục vụ nhân dân Thủ đô…”, ông Ngô Sơn Hải nhận định.

Tận dụng tối đa nguồn nước

Để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ xuân, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, những năm qua, thành phố đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng cải tạo, xây dựng các trạm bơm lấy nước sông Hồng ở mực nước thấp, như: Trung Hà, Đan Hoài, Thụy Phú II và đang xây dựng mới Trạm bơm Thanh Điềm... Hà Nội cũng đầu tư lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến để thay thế nhiệm vụ lấy nước của các trạm bơm cố định không lấy được nước, như: Ấp Bắc, Thanh Điềm, Phù Sa, Quang Lãng. Tương tự, các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên… cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hạ thấp cao trình đặt máy, xây dựng trạm bơm lấy nước sông Hồng, Đuống, Thái Bình ở mực nước thấp…

Các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã chủ động các phương án lấy nước hiệu quả và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Trần Thanh Toàn cho biết: “Hiện tại, công ty đang tập trung lắp đặt 41 trạm bơm dã chiến, với 74 máy bơm các loại; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị sẵn sàng vận hành trạm bơm, cấp nước cho nhân dân làm đất, gieo mạ ngay từ đợt xả nước đầu tiên…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, bắt đầu từ ngày 2-1, 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đồng loạt ra quân nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vật tư sẵn sàng sản xuất vụ xuân đúng khung thời vụ... Còn Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Duân chia sẻ: “Xã đang vận động 41 hộ dân sản xuất tại khu vực giáp huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) chuyển từ trồng lúa sang lạc, ngô, rau màu… để giảm áp lực về nguồn nước tưới trong vụ xuân năm nay…”. Đây cũng là giải pháp đang được các địa phương gặp khó khăn về nguồn nước triển khai thực hiện.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp thủy lợi lấy nước ngay từ đợt 1 để tích vào ao hồ, kênh mương; thực hiện giải pháp vừa lấy nước đổ ải, vừa làm đất, gieo cấy; tận dụng tối đa nguồn nước hồ thủy lợi tại các địa phương, gieo mạ tập trung, hạn chế gieo sạ…

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu đề xuất xây dựng hệ thống đập dâng di động trên sông Hồng, sông Đà nhằm tạo thuận lợi cho các trạm bơm lấy nước sản xuất vụ xuân… “Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hạn chế hạ thấp lòng sông thông qua việc quản lý hoạt động khai thác cát trên các sông. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để giảm nỗi lo thiếu nước trong vụ xuân những năm tiếp theo…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ xuân: Cần giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.