Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm: Kiểm soát lưu thông, chốt chặt nguồn gốc

Quỳnh Dung| 20/05/2020 07:20

(HNM) - Ngành Nông nghiệp Hà Nội hiện đáp ứng được 60% nhu cầu về các loại thịt, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng như ý thức chấp hành quy định của tiểu thương còn hạn chế đã đặt ra yêu cầu mới trong việc kiểm soát lưu thông, đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phun thuốc diệt khuẩn tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 3 (khu vực Ba La, quận Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc

Lợi dụng kẽ hở để "lách" luật

Mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô tương đối lớn, trung bình khoảng 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 6.198 tấn thịt gia cầm... Trong khi đó, đến nay, các cơ sở chăn nuôi của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về thịt lợn, 15% nhu cầu về thịt bò... Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát thì việc kiểm soát nguồn thực phẩm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản.

Ông Nguyễn Bá Xuân - Đội trưởng phụ trách chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) cho biết: Trung bình mỗi ngày chốt kiểm dịch 18.000-25.000 con gia cầm vào chợ. Về cơ bản tiểu thương đã chấp hành các quy định về chứng minh nguồn gốc sản phẩm động vật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp lợi dụng kẽ hở trong các quy định để "lách" luật. Ví dụ một số đối tượng đã xé lẻ số lượng gia cầm xuống dưới 30 con, chở bằng xe máy để không phải thực hiện kiểm dịch khi qua chốt...

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Duy Đáng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất, trên địa bàn huyện mới có 10 cơ sở giết mổ được cấp giấy phép hoạt động, trong khi có tới 60 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép, do không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Đặc biệt, với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (2-10 con/ngày), các chủ lò mổ thường mua lợn trực tiếp của các hộ chăn nuôi nên gây không ít khó khăn cho đơn vị trong việc xác định nguồn gốc sản phẩm để thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay: Hà Nội là đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông, hằng ngày lượng phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn rất lớn. Đáng nói, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng khiến một lượng lớn sản phẩm động vật không được kiểm dịch đưa vào tiêu thụ ở các chợ.

"Hiện thành phố có 220 cơ sở giết mổ lợn, nhưng chỉ có 47 cơ sở (chiếm 22%) có quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, còn lại là nhỏ lẻ. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thu mua lợn từ nhiều nơi, trong đó có những cơ sở không được cấp giấy phép nhưng lén lút hoạt động, gây khó khăn cho cơ quan thú y trong việc kiểm dịch", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết

Hà Nội đang có 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành, trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật trên các tuyến giao thông chính của thành phố. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Cũng để lấp đầy những kẽ hở trong kiểm soát lưu thông, vận chuyển sản phẩm động vật, ông  Nguyễn Khả Khoa, phụ trách chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi một số điều còn bất cập trong Luật Thú y cho phù hợp với thực tế...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Các địa phương cần quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả... Cùng với đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm để tạo ra một quy trình khép kín. Đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi đăng ký mã vùng, mã vạch để truy xuất nguồn gốc và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường...

Mong rằng, với các giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng, những khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường sẽ được đẩy lùi. Từ đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm, góp phần thiết thực trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm: Kiểm soát lưu thông, chốt chặt nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.