Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan nghề kiểm dịch động vật

Bài và ảnh:  Ngọc Quỳnh| 16/06/2020 07:09

(HNNN) - Hằng đêm, khi Hà Nội còn đang chìm trong giấc ngủ thì các cán bộ, nhân viên thú y đã lên đường đến từng lò mổ để làm nhiệm vụ kiểm dịch. Công việc không đơn giản, đặc biệt là khi phải tiếp xúc trực tiếp với động vật nên nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gia súc, gia cầm luôn ở mức cao.

Nghề nguy hiểm

Một đêm lặn lội cùng cán bộ ngành Thú y Hà Nội mới thấm thía sự vất vả của nghề kiểm soát giết mổ. Vừa kiểm soát giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ những xe chở lợn ở các tỉnh đưa về lò giết mổ xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), ông Nguyễn Khả Khoa, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì vừa tâm sự: Trung bình mỗi ngày lò Vạn Phúc “xử lý” 1.500 - 2.000 con lợn. Đặc thù của nghề giết mổ gia súc, gia cầm là hoạt động từ khoảng 11h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau để kịp cung cấp sản phẩm cho các chợ, siêu thị... Khi lợn về đến cơ sở giết mổ, cán bộ thú y phải căng mình kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hướng dẫn các chủ lò giết mổ đúng quy định.

Rời điểm giết mổ bán công nghiệp có sự kiểm soát thú y, chúng tôi tìm tới và chứng kiến hoạt động tại những điểm giết mổ nhỏ lẻ không có giấy phép hoạt động tại chợ dân sinh, đặc biệt là giết mổ gia cầm. Chỉ với một nồi nước nhỏ, chiếc chậu, chủ hàng mổ gia cầm ngay trên nền nhà, nom rất phản cảm và đặc biệt là mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trăn trở về việc này, bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Hiện nay, số lượng cơ sở, điểm chăn nuôi, giết mổ gia cầm nằm rải rác ở các chợ dân sinh khá nhiều, đòi hỏi cán bộ thú y phải di chuyển liên tục. Công việc kiểm soát giết mổ mang tính chất đặc thù, không ổn định về thời gian, chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm; các điểm giết mổ lại nằm phân tán trên địa bàn rộng nên việc đi lại khá vất vả, thời gian sinh hoạt cá nhân và dành cho người thân rất hạn chế... Với cán bộ nữ như chúng tôi thì đúng là gian nan trăm bề. Có những lúc con ốm nhưng không thể dứt công việc, phải nhờ người thân giúp đỡ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Chưa hết, do thường xuyên tiếp xúc với động vật, sản phẩm động vật sống nên cán bộ thú ý luôn đối diện nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh. “Không những thế, có hộ giết mổ nhỏ lẻ còn phản ứng khi các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Khi đó, chúng tôi phải cố gắng bình tĩnh, giải thích rõ về việc giết mổ không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật” - bà Hiền tâm sự.

Đối với những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không được phép hoạt động thì việc giám sát và xử phạt gặp khó khăn gấp bội. Ông Nguyễn Duy Đáng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạch Thất cho biết, trên địa bàn huyện có 10 cơ sở giết mổ được cấp phép; 60 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc để thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ...

Một thiệt thòi đối với những người làm công việc này, đó là dù làm việc trong điều kiện nhiều bất lợi, bất kể đêm hay ngày nhưng thu nhập chưa tương xứng. Là người từng trực tiếp tham gia kiểm tra giết mổ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trên địa bàn thành phố có 749 cơ sở/ điểm giết mổ gia súc, gia cầm thì có tới 718 cơ sở giết mổ thủ công, chưa được cán bộ thú y kiểm soát khâu giết mổ.

Đến nay, ngành Thú y mới kiểm soát được 60% số sản phẩm thịt ở các lò mổ trên toàn thành phố. Thực tế, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm không hề đơn giản, không phải hộ nào cũng chấp hành quy định về chứng minh nguồn gốc sản phẩm, một số thậm chí còn chống đối. Bởi vậy, trong lĩnh vực này, nếu chỉ riêng lực lượng thú y thực hiện công việc thì sẽ rất vất vả.

Tất cả vì sức khỏe cộng đồng

Cán bộ thú y kiểm tra chất lượng thịt và lấy mẫu test nhanh các chỉ số về kháng sinh tại cơ sở giết mổ Vinh Anh (huyện Thường Tín).

Tuy thế, những người làm nhiệm vụ kiểm soát việc giết mổ không quản ngại khó khăn, bởi họ luôn xác định cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mục đích cao nhất của họ là giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm động vật an toàn.

Song, để bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cán bộ thú y mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành, được nhân dân chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần triển khai đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp.

Ngày 17-2-2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố”. Theo đó, sẽ có 8 cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp là: Cơ sở giết mổ gia cầm Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), cơ sở giết mổ gia súc Đông Thành (huyện Đông Anh), cơ sở giết mổ gia súc Foodex (huyện Đan Phượng), cơ sở giết mổ gia súc Lệ Chi (huyện Gia Lâm), cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm Minh Hiền (huyện Thanh Oai), cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm Vinh Anh (huyện Thường Tín), cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm Minh Phú (huyện Sóc Sơn).

Bên cạnh các cơ sở giết mổ công nghiệp còn có 8 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thanh Oai; 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ trong mạng lưới đã được phê duyệt.

Đánh giá về quy hoạch mạng lưới giết mổ, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo khẳng định: “Nếu như các địa phương cùng các sở, ngành đẩy mạnh việc xây dựng những điểm giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp thì chắc chắn thời gian tới, 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Đây không chỉ là mong muốn của những người làm công việc kiểm soát giết mổ mà còn là mong muốn chính đáng của người dân, tất cả vì nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng”.

Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng, ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ của công ty cung cấp 120 - 150 tấn thịt lợn an toàn cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Theo ông Vinh, để các lò mổ công nghiệp hoạt động hết công suất và bảo đảm sự công bằng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở chưa được cấp phép, đồng thời cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm động vật đã qua kiểm tra. Có như vậy thì các cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động mới hiệu quả và các ngành chức năng thuận lợi hơn trong việc giám sát chất lượng thịt gia súc, gia cầm đang lưu hành trên thị trường. Nếu thực hiện tốt những việc trên, tới đây, các lò giết mổ nhỏ lẻ sẽ dần được loại bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan nghề kiểm dịch động vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.